Hàng không chậm, hủy chuyến: Có phải lỗi ở “ông trời”?

“Chưa bao giờ hình ảnh hàng không Việt Nam lại xấu như bây giờ”

Cục và các hãng hàng không phải phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng chậm, hủy chuyến bay chứ không thể đổ lỗi tất cả do thời tiết, do tăng trưởng “nóng” trong thời gian qua.
“Chưa bao giờ hình ảnh hàng không Việt Nam lại xấu như bây giờ” ảnh 1Hành khách xếp hàng dài đợi chờ làm thủ tục bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thời gian vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng chậm hủy chuyến bay. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không và các hãng hàng không phải phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng chậm, hủy chuyến.

“Các hãng còn đổ lỗi do nguyên nhân này nọ thì chưa phát triển, chưa khắc phục được. Không thể đổ lỗi tất cả do thời tiết, do tăng trưởng nóng. Nếu còn suy nghĩ như vậy thì còn tiếp tục chậm, hủy chuyến,” Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.

Có phải lỗi ở “ông trời”?

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tính từ đầu năm đến gần cuối tháng Bảy, các hãng đã thực hiện 85.000 chuyến bay nhưng tỷ lệ chậm, hủy chuyến lên tới 24,1%.

Cụ thể, Vietnam Airlines chậm chuyến là 12,3%, hủy chuyến là 2,9%; chậm chuyến nhiều nhất là Vietjet Air chiếm 40,4%, hủy chuyến 3,3%; đứng ngay sát là Jetstar Pacific chậm chuyến là 40,2%, hủy chuyến là 3,6%; thấp nhất là Vasco khi tình trạng chậm chuyến là 10,2%, hủy chuyến là 7,5%.

Dưới góc độ đơn vị phục vụ kinh doanh vận tải hàng không, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, hiện nay, trong mùa cao điểm tháng Bảy, tỷ lệ chậm chuyến của Vietnam Airlines tăng từ 15-17% so với 10% của cùng kỳ năm trước.

Giải thích rõ hơn, ông Minh phân trần, lý do chậm hủy chuyến ở đây không phải lỗi đơn thuần của ai mà là do thời tiết và hạ tầng hàng không đang tắc nghẽn.

Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, mặc dù đã có quy định liên quan đến vấn đề phục vụ hành khách bị ảnh hưởng do chậm, hủy chuyến bay và trách nhiệm của các hãng hàng không Việt Nam song thực tế còn nhiều hạn chế như chậm thông báo cho hành khách; thời gian dự kiến khởi hành mới; chưa thực hiện đầy đủ việc xin lỗi, phục vụ nước uống, đồ ăn... cho hành khách theo đúng quy định; chậm cử đại diện có thẩm quyền liên hệ với hành khách để giải thích và tiếp nhận những khiếu nại của hành khách; văn hóa ứng xử với hành khách trong nhiều trường hợp không phù hợp.

“Về cơ bản, hành khách đi tàu bay thông cảm và chia sẻ với ngành hàng không với những khó khăn trước tình trạng chậm, hủy chuyến bay,” Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay.

Phản bác lại lập luận trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng bày tỏ quan điểm, cách nói “về cơ bản, hành khách chia sẻ với việc chậm hủy chuyến của các hãng hàng không” là hoàn toàn chủ quan. Tôi thấy, chưa bao giờ hình ảnh hàng không Việt Nam lại xấu như bây giờ!

Đưa ra dẫn chứng, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn nói: “Tôi nhận được tin nhắn phản ánh, chửi bới của hành khách suốt. Các anh [hãng hàng không-PV] nói vậy là thờ ơ và coi thường lãnh đạo, đừng để sự việc xảy ra rồi mới lo xử lý.”

“Chưa bao giờ hình ảnh hàng không Việt Nam lại xấu như bây giờ” ảnh 2Hình ảnh hành khách ngủ vật vờ ở sân bay vì bị chậm, hủy chuyến là khá phổ biến thời gian qua. (Ảnh: Đỗ Hùng/Vietnam+)

Bổ sung thêm, theo vị Tư lệnh ngành giao thông vận tải, năm nay, chậm hủy chuyến tăng đột biến, các hãng hàng không phải phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng chậm, hủy chuyến. Các hãng còn đổ lỗi do nguyên nhân này nọ thì chưa phát triển, chưa khắc phục được. Không thể đổ lỗi tất cả do thời tiết, do tăng trưởng nóng. Nếu còn suy nghĩ như vậy thì còn tiếp tục chậm, hủy chuyến.

“Năm nay, thời tiết thuận lợi hơn năm ngoái vì bão vào muộn nên không thể đổ lỗi do thời tiết. Cũng không thể đổi lỗi cho tăng trưởng cao được bởi nếu tăng trưởng ‘nóng’ thì hãng phải khẳng định bay được bao nhiêu chuyến còn lại đi sang chuyến khác, khả năng đáp ứng đến đâu, đưa lên nhiều dẫn đến chậm hủy chuyến để khách lang thang vật vờ sân bay,” Bộ trưởng Đinh La Thăng bức xúc.

Không xứng đáng đồng tiền khách bỏ ra!

Theo ông Nguyễn Đình Dương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, vấn đề cải tạo hạ tầng ở nhà ga chủ yếu diễn ra ở hai Cảng hàng không lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng gây nên chậm, hủy chuyến.

“Hiện, nhà ga Tân Sơn Nhất đang trong quá trình cải tạo, trước tháng 12 năm nay sẽ đưa vào sử dụng, trong khi nhà ga T2 Nội Bài sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay. Do đó, vấn đề tắc nghẽn sẽ phần nào được cải thiện,” ông Dương cho biết.

Đề cập đến thực trạng chậm, hủy chuyến, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng, các đơn vị liên quan cần phân tích rõ nguyên nhân trực tiếp, liên quan để đưa ra biện pháp khắc phục, xử lý.

“Chúng ta tuyên truyền làm sao để tạo niềm tin cho người dân. Ở Mỹ người ta cũng chậm hủy chuyến nhiều do thời tiết và đây là vấn đề bất khả kháng. Thế nhưng, cách cư xử với khách hàng hoàn toàn khác nước ta nên các hãng hàng không nhận được sự cảm thông. Bởi vậy, chúng ta cần tổ chức tập huấn cách ứng xử tối thiểu nhất của nhân viên hàng không để hành khách không cảm thấy bức xúc trước mỗi lần bị chậm hủy chuyến,” Trung tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Đồng tình quan điểm này, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không dân dụng Quốc gia Hoàng Trung Hải nhìn nhận, hàng không là thương hiệu, hình ảnh của Quốc gia. Chậm, hủy chuyến tác động đến tâm lý người sử dụng dịch vụ này nên chúng ta phải phân tích kỹ và đưa ra các giải pháp tạo niềm tin cho hành khách.

“Nếu là doanh nghiệp, phải thấy rằng, riêng việc chậm hủy chuyến là không cung cấp dịch vụ xứng đáng với đồng tiền mà hành khách bỏ ra,” Phó Thủ tướng lưu ý các hãng hàng không.

Liên quan đến công tác tăng cường, huấn luyện, đào tạo hàng không, Phó Thủ tướng chỉ đạo Cục và các hãng hàng không phải có chương trình đặc biệt vì hiện nay, nhiều hãng chưa coi khách hàng là thượng đế, việc chậm hủy chuyến cũng không được thông báo cho hành khách.

“Cần đưa vào nội dung huấn luyện, nâng cao công tác đào tạo hàng không. Từ giờ đến cuối năm, phải chuyển biến từ việc chậm hủy chuyến nghiêm trọng thành ít nghiêm trọng,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Đưa ra các giải pháp trước mắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị trong ngành cần đẩy mạnh nhanh các dự án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài để tăng cường năng lực phục vụ mặt đất, tăng cường công tác điều hành quản lý phối hợp trên các Cảng hàng không, trước tiên đẩy mạnh cổ phần hóa đơn vị trong ngành hàng không để tạo môi trường cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục