Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Lê Thanh Hà vừa ký văn bản gửi tới Cục Hàng Không Việt Nam về việc thanh tra, xử lý vi phạm hành chính nhằm đảm bảo an toàn hàng không và giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay.
Theo đó, Thanh tra Bộ yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng không) thực hiện tiến hành thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về hàng không dân dụng liên quan đến các khâu làm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hàng không và việc chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không ở Việt Nam.
Đặc biệt, nội dung thanh tra sẽ tập trung các vấn đề như điều kiện, tiêu chuẩn năng lực của hệ thống khai thác của các hãng hàng không dân dụng, điều lệ vận chuyển và việc tuân thủ các quy định về vận chuyển hành khách; hoạt động cung cấp dịch vụ không lưu, các dịch vụ mặt đất…
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các quy trình giám sát, phối hợp, báo cáo an toàn hàng không, đặc biệt đối với an toàn bay và tìm kiếm, cứu nạn; đánh giá lại Điều lệ vận chuyển của các hãng hàng không để yêu cầu điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và tổ chức giám sát việc tuân thủ Điều lệ được cấp giấy chứng nhận đăng ký
Cục Hàng không chỉ đạo các Cảng hàng không niêm yết công khai quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về nghĩa vụ của hãng hàng không trong trường hợp chậm, hủy chuyến để nhân dân biết giám sát thực hiện; chỉ đạo các Cảng vụ hàng không tăng cường thanh tra, giám sát trực tiếp công tác chuẩn bị trước chuyến bay, làm thủ tục cho hành khách đi tàu bay; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn hàng không; tổ chức niêm yết số điện thoại để tiếp nhận thông tin, lập biên bản vi hành chính đối với hành vi “không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo quy định trong trường hợp hoãn, hủy chuyến bay, từ chối vận chuyển”.
Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kế hoạch thực hiện về Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 15/8/2014.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, từ 16 giờ ngày 23 đến 12 giờ ngày 24/7, trong tổng số 365 chuyến bay cất cánh có 69 chuyến bay chậm, chiếm tỷ lệ 18,9%.
Tỷ lệ chậm chuyến giảm so với ngày 23/7 (24,81%). Tuy nhiên, số chuyến bay bị hủy lại tăng nhẹ (1,62%) so với ngày 23/7 (1,03%). Trong ngày 24/7, các hãng hàng không đều đã giảm tỷ lệ chuyến chậm.
Cụ thể, Jetstar Pacific có số chuyến bay chậm chiếm tỷ lệ 33,33% (ngày 23/7 là 46,51%), Vietjet Air: 25,61% (ngày 23/7 chiếm 25,93%), Vietnam Airlines là 14,96% (ngày 23/7 là 20,75%), Vasco hủy 1 chuyến bay và không chậm chuyến bay nào.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, nguyên nhân chủ yếu gây chậm chuyến là do tàu bay về muộn chiếm 24,64%, đã giảm mạnh so với ngày 23/7 là 46%, lý do khai thác của hãng hàng không cũng đã giảm, chiếm 17,39% (ngày 23/7 chiếm 23%); còn lại là nguyên nhân khác như thời tiết, điều hành bay, kỹ thuật, trang thiết bị, dịch vụ của cảng hàng không…/.