Công bố kết quả Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13

Chiều 29/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Họp báo cung cấp thông tin chính thức về kết quả đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và các sự kiện liên quan.
Công bố kết quả Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 ảnh 1Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi họp báo. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Chiều 29/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bên liên quan đã tổ chức Họp báo cung cấp thông tin chính thức về kết quả đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và các sự kiện liên quan.

Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng các quốc gia thành viên đã đánh giá lại việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt quan tâm tới giải quyết tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Các bên tái khẳng định cam kết sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu và duy trì nguyên tắc của Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, thông qua đề xuất của Indonesia về xây dựng Trung tâm Điều phối ASEAN để kiểm soát tình trạng này.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về Chương trình nghị sự ASEAN Bền vững môi trường và Biến đổi khí hậu sau 2015, đồng thời thông qua Khung Tiêu chí giám sát thực hiện Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ASEAN. Các Bộ trưởng môi trường ASEAN đã nhóm họp với những người đồng cấp từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thảo luận về hợp tác trên những lĩnh vực gồm: Đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, giáo dục môi trường, khoa học và công nghệ và thành phố bền vững về môi trường.

Các Bộ trưởng cũng bày tỏ quan ngại và cảm thông với người dân Philippines sau cơn bão Koppu đã gây lên các trận mưa lớn, lũ lụt và lở đât, khiến hơn 100.000 người dân phải di tản. Các Bộ trưởng cũng bảy tỏ sự quan tâm và cảm thông đối với người dân Myanmar phải gánh chịu lũ lụt do cơn bão Komen từ tháng 7 đến tháng 9/2015.

Điểm đáng chú ý là, các Bộ trưởng đã ghi nhận dự báo của Trung tâm khí tượng đặc biệt của ASEAN rằng những ảnh hưởng nghiêm trọng của El Nino còn kéo dài tới đầu năm 2016. Theo đó, các điểm nóng về cháy nổ có khả năng gia tăng trong mùa khô của thang 11 và tháng 12 năm 2015 tại bắc Đông Nam Á. Đối với phía nam Đông Nam Á, các đợt gió mùa được dự đoán vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 sau đó là gió mùa phía bắc vào tháng 12/2015 có thể làm giảm các điểm dễ cháy nổ trong khu vực.

Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về xây dựng Tuyên bố Chương trình nghị sự ASEAN Bền vững môi trường và Biến đổi khí hậu sau 2015, để đệ trình thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 nhằm nhấn mạnh cam kết của ASEAN, xác định các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu hiện hữu và đang nổi lên của ASEAN cần phải được giải quyết, nhằm đạt được các mục tiêu của Tầm nhìn sau 2015 trong bối cảnh phát triển toàn cầu hiện nay.

Đối với quan điểm về Tầm nhìn sau 2015, các Bộ trưởng tán thành việc xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN về Hợp tác môi trường (ASPAPEC); Lộ trình ASEAN Không khói mù; Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ 5; Chương trình công tác ASEAN-Liên hợp quốc về Môi trường và Biến đổi khí hậu sau 2015.

Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã thông qua đề cử Vườn quốc gia Núi Timpoong Hibok-Hibok (Philippines) và Vườn quốc gia Way Kambas (Indonesia) là Vườn di sản ASEAN, số thứ tự tương ứng 36 và 37. Các Bộ trưởng đã thông qua Khung Tiêu chí giám sát thực hiện Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ASEAN (IWRM), coi đây là bộ công cụ giám sát thực hiện đơn giản để ASEAN sử dụng trong việc đánh giá tiến độ triển khai Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ASEAN.

Các Bộ trưởng Môi trường sẽ họp tại Brunei Darussalam vào năm 2017, nhân dịp tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về việc “nước sông Hồng dâng cao đột ngột ở trên thượng nguồn tỉnh Lào Cai vào đầu tháng 10/2015, do phía Trung Quốc xả lũ, tiếp đó là ô nhiễm không khí và hóa chất từ Trung Quốc tràn sang,” Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cho biết vấn đề này đã đề cập trong nội dung chương trình nghị sự Hội nghị bộ trưởng ASEAN 13 và và ASEAN+ 3 lần thứ 14.

Về ô nhiễm khói mù (không khí), Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các Bộ trưởng đã tích cực sớm đưa ra thỏa thuận, cơ chế để loại bỏ cháy rừng cũng như ô nhiễm khói mù. Ô nhiễm không khí xuyên biên giới chưa có cơ sở pháp lý tầm khu vực và quốc tế để kiểm soát tình trạng này thật tốt.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết liên quan quản lý lũ, Việt Nam đang thực hiện nhiều công việc cụ thể phối hợp với các thành viên có liên quan đánh giá đầy đủ tác động với hạ nguồn. "Xả lũ không thông báo trước là vấn đề hết sức nghiêm trọng và bằng việc xúc tiến trao đổi song phương, và cần cơ chế cung cấp thông tin trong vấn đề ứng phó với hiện tượng như mực nước sông Hồng dâng cao do Trung Quốc xả lũ mà Việt Nam ko biết trước," Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục