Tối 26/7, tại Trung tâm Thương mại Đồng Xuân ở Berlin, Hội cựu chiến binh Việt Nam Berlin-Brandenburg đã tổ chức giao lưu gặp mặt giữa các hội viên, thương binh và thân nhân thương binh liệt sỹ để kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2014).
Tham dự Lễ kỷ niệm có đông đảo hội viên, thương binh và thân nhân thương binh, liệt sỹ, đại diện nhiều hội đoàn người Việt như Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức, Hội người Việt Nam tại Cottbus, Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức, Hội người Hà Nội, nhiều hội đồng hương như Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình...
Hai ông Trịnh Ngọc Đại và Trương Hồng Thái, Trưởng và Phó phòng Tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức đã thay mặt Đại sứ quán tham dự Lễ kỷ niệm.
Sau khi làm lễ chào cờ và dành một phút mặc niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, ông Mai Ngọc Yên, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam Berlin-Brandenburg đã đọc diễn văn khai mạc nêu lên những hy sinh, mất mát của hàng triệu anh hùng, liệt sỹ, thương binh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ để giành và giữ gìn độc lập, tự do cho dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên đất liền cũng như biển, đảo của quê hương.
Ông Mai Ngọc Yên nhấn mạnh nhân dân Việt Nam luôn luôn yêu chuộng hòa bình và công lý, không sợ hy sinh, gian khổ để bảo vệ từng tấc đất quê hương, Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ là dịp để thực hiện đạo lý "uống nước, nhớ nguồn," tri ân các thương binh, liệt sỹ đã hy sinh, mất mát vì đất nước.
Tùy viên Quốc phòng Đại sứ quán Việt Nam Trịnh Ngọc Đại phát biểu, đánh giá cao hoạt động của các hội cựu chiến binh Việt Nam tại Đức nói chung và Hội cựu chiến binh Việt Nam Berlin-Brandenburg nói riêng, luôn đi đầu trong các công tác cộng đồng, tổ chức các lễ kỷ niệm tri ân các thương binh, liệt sỹ cũng như trong các hoạt động khác.
Tại Lễ kỷ niệm, những người tham dự cũng được giao lưu với đại diện một số con liệt sỹ, một số thương binh có mặt, nghe họ nói lên tình cảm của mình đối với người đã khuất cũng như sự xúc động khi được dự lễ kỷ niệm tri ân những liệt sỹ, những người thương binh đã bỏ lại một phần xương thịt của mình ở chiến trường, nghe những thương binh ôn lại những kỷ niệm với đồng đội, nghe anh thương binh Huy Thắng xúc động kể lại về tình cảm với người má nuôi, bà Nguyễn Thị Thùy ở Quảng Ngãi đã cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng anh 22 ngày sau khi bị thương, bất chấp những nguy hiểm có thể đe dọa...
Anh Chan Samnang, một người Campuchia từng sát cánh bên bộ đội Việt Nam chiến đấu chống Khmer Đỏ đã xúc động phát biểu, bày tỏ cảm ơn nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Trong phần văn nghệ, những người tham dự Lễ kỷ niệm đã được thưởng thức nhiều tiết mục ca, múa, nhạc, thơ đặc sắc, "cây nhà, lá vườn" của các nghệ sỹ trong cộng đồng, trong đó có những người từng phục vụ trong quân ngũ.
Cả hội trường như được sống lại không khí hào hùng trong những năm tháng trước đây với những bài ca không thể nào quên, được khơi dậy tình cảm quê hương với những làn điệu dân ca như hát chèo, quan họ, cải lương...
Đặc biệt, những người tham dự đã rất xúc động được nghe nhóm tốp ca biểu diễn bài "Trường Sa ơi, Hoàng Sa ơi, chúng con đã về đây" do anh thương binh, nhà báo Huy Thắng sáng tác mới đây trong chuyến thăm Trường Sa.
Tiến sỹ Phạm Thị Như Anh cũng lên đọc bài thơ nói về tuổi học trò, về những kỷ niệm với nhà trường của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, một người "sống mãi tuổi hai mươi"./.