Công ty cổ phần Chứng khoán CV xin rút nghiệp vụ môi giới

Đại hội đồng cổ đông bằng hình thức lấy ý kiến qua văn bản của CVS vừa phê duyệt chủ trương rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán và hủy tư cách thành viên các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký.
Công ty cổ phần Chứng khoán CV xin rút nghiệp vụ môi giới ảnh 1Khách hàng giao dịch. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đại hội đồng cổ đông bằng hình thức lấy ý kiến qua văn bản của Công ty cổ phần Chứng khoán CV (CVS) vừa phê duyệt chủ trương rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán và hủy tư cách thành viên các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Đại hội cũng phê duyệt kế hoạch thực hiện chủ trương này và ủy quyền cho Tổng Giám đốc công ty triển khai các nội dung như lập phương án xử lý tài khoản khách hàng; nộp hồ sơ xin rút nghiệp vụ môi giới lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; nộp hồ sơ xin hủy tư cách thành viên tới các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán…

CVS tiền thân là Công ty cổ phần Chứng khoán Hồng Bàng, được cấp phép thành lập và hoạt động từ tháng 3/2009.

Năm 2015 công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán Hưng Thịnh và chuyển trụ sở chính từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Đến tháng 10/2017, đổi tên thành CVS.

Ngay sau đó, năm 2018, công ty tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng và cổ đông ngoại ông Jia Minghui (quốc tịch Trung Quốc) lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và đại diện pháp luật của CVS.

[Lợi nhuận của các công ty chứng khoán phục hồi mạnh trong quý 2]

Đồng thời, định vị trở thành công ty chứng khoán kết nối đầu tư Việt Nam-Trung Quốc dựa trên thế mạnh về nguồn vốn ngoại chủ yếu đến từ Hong Kong, Trung Quốc và khả năng tiếp cận sâu rộng vào chính 2 thị trường này.

Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của công ty vẫn không mấy sáng sủa. Theo báo cáo tài chính năm 2018, Công ty lỗ 14,9 tỷ đồng; năm 2019 lỗ hơn 19 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm nay, hoạt động của CVS cũng không mấy khả quan. Báo cáo tài chính bán niên của công ty ghi nhận doanh thu hoạt động trong kỳ chỉ ở mức 44 triệu đồng, Công ty tiếp tục chịu lỗ hơn 5,5 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6 vừa qua, tổng tài sản của CVS chỉ còn hơn 10,7 tỷ đồng.

Phía kiểm toán cũng đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh rằng tại thời điểm 30/6 vừa qua, CVS đang lỗ lũy kế hơn 80 tỷ đồng, tương ứng 89% vốn góp của chủ sở hữu. Điều này, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Trước đó, vào tháng 8/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn yêu cầu CVS xây dựng và triển khai phương án tăng vốn điều lệ hoặc rút nghiệp vụ kinh doanh để đảm bảo giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục