Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đe dọa sẽ xóa sổ những tiến bộ đạt được trong thập kỷ qua về cải thiện hệ thống y tế và giáo dục cho trẻ em, đặc biệt tại các nước nghèo nhất.
Đánh giá trên được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dựa vào Chỉ số vốn con người (HCI) năm 2020.
Báo cáo cho thấy hầu hết các nước, đặc biệt là các nước nghèo, đã từng bước đạt được kết quả trong việc cải thiện giáo dục và y tế trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, WB cho rằng một trẻ em sống ở đất nước có thu nhập thấp có thể sẽ chỉ đạt được 56% HCI so với một đứa trẻ được tiếp cận với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
HCI bao gồm kiến thức, kỹ năng và sức khỏe mà con người tích lũy được trong suốt cuộc đời, giúp con người nhận ra tiềm năng của mình như là thành viên hữu ích cho xã hội.
HCI cũng là công cụ đo mức sống mà một đứa trẻ được sinh ra ngày nay hy vọng có thể đạt được vào năm 18 tuổi. HCI đặc biệt quan trọng đối với tương lai kinh tế và tài chính của một quốc gia, cũng như sự thịnh vượng của xã hội.
[UNICEF: COVID-19 làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em]
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch WB David Malpass cho rằng tình trạng mất cân bằng HCI trong trẻ em đang gia tăng và một trong những bằng chứng cho thấy điều này là thế giới hiện có khoảng 80 triệu trẻ em không được tiêm chủng mở rộng cần thiết.
Ông Malpass nói: "Chúng tôi nghĩ hơn 1 tỷ trẻ em không được đến trường do dịch bệnh COVID-19 và (chúng) có thể sẽ mất 10.000 tỷ USD thu nhập trong suốt cuộc đời sau này." Ngoài việc cảnh báo tình trạng trẻ em gái sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất cân bằng giới, ông Malpass kêu gọi các nước đầu tư nhiều hơn vào giáo dục.
Được thực hiện từ năm 2018, HCI năm 2020 bao gồm số liệu thống kê của 174 nước, chiếm 98% dân số thế giới./.