“Cuốn theo chiều gió” (Gone with the Wind) là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất thế kỷ XX và đã được chuyển thể thành một bộ phim kinh điển không kém phần vĩ đại. Bộ phim này lần đầu tiên được công chiếu cách đây 74 năm vào ngày 15/12/1939 tại Atlanta, Mỹ.
"Cuốn theo chiều gió" là bộ phim được chuyển thể theo tác phẩm cùng tên của nữ văn sĩ người Mỹ Margaret M. Mitchell. Đây là một bộ phim xuất sắc trong lịch sử điện ảnh của Hollywood và đã nhận được tám phần thưởng điện ảnh cao quý (Academy Awards).
Tiểu thuyết là một chuyện tình, là nỗi suy tư về các đổi thay đã thổi qua miền Nam Hoa Kỳ trong những năm 1860. Cuốn truyện bắt đầu vào năm 1861 trước khi xảy ra cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ và chấm dứt vào năm 1871 khi phe Dân chủ nắm quyền kiểm soát miền Georgia.
Thông qua bối cảnh cuộc nội chiến, Margaret Mitchell kể lại câu chuyện của một phụ nữ đẹp, có tính tình nổi loạn, thuộc miền Georgia, tên là Scarlett O' Hara. Nàng phải lòng chàng Rhett Butler - một kẻ lãng tử, sành đời và am hiểu về cuộc sống. Scarlett O’Hara và Rhett Butler trở thành một cặp nhân vật điển hình, thuộc loại thành công nhất về huyền thoại tình yêu và sự khốc liệt của chiến tranh trong văn học Mỹ.
Được xuất bản năm 1936, chỉ trong vòng sáu tháng, 1 triệu ấn bản đã được bán hết. Đây cũng là tác phẩm có số lượng cao nhất trong lịch sử xuất bản của Hoa Kỳ. "Cuốn theo chiều gió" được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ khác nhau và phổ biến trên 40 quốc gia. Riêng bản tiếng Anh, tác phẩm này đã được bán ra với trên 200.000 cuốn mỗi năm và còn là một trong các tiểu thuyết bán chạy nhất cho tới ngày nay.
Vào tháng 5/1936, nhà biên tập truyện phim Kay Brown đã đọc ấn bản "Cuốn theo chiều gió" trước khi nó đến được tay bạn đọc, đã khuyên đạo diễn David O. Selznick mua bản quyền để chuyển tác phẩm này thành phim ảnh. Một tháng sau khi cuốn tiểu thuyết được phát hành, đạo diễn Selznick đã trả 50.000 USD cho tác giả, đây là một kỷ lục vào thời kỳ đó.
Nữ tài tử Vivien Leigh được chọn vào vai nàng Scarlett O' Hara. Còn đối với vai Rhett Butler, Clark Gable là nam tài tử ưa thích cả đối với quần chúng lẫn đạo diễn Selznick.
Bộ phim bắt đầu bấm máy vào ngày 26/1/1939 và đóng máy vào ngày 11/11/1939. Phí tổn kỷ lục để thực hiện cuốn phim vào thời kỳ đó là 3,9 triệu USD, chỉ đứng sau phim "Ben-Hur" quay vào năm 1925.
Ngày 15/12/1939, bộ phim "Cuốn theo chiều gió" được trình chiếu lần đầu tiên tại thành phố Atlanta, chính quyền tuyên bố toàn thành phố được nghỉ việc trong ngày này.
Và gần 60 năm sau, tháng 7/1998, bộ phim huyền thoại ấy lại được chiếu trên toàn nước Mỹ. Tại rạp Screen ở Atlanta, đến nay bộ phim này vẫn được chiếu mỗi ngày hai lần. Khán giả vẫn đến xem “Cuốn theo chiều gió,” mặc dù như Vivien Leigh nói đùa, “đó là một thử thách nặng nề cho cặp mông” - phim kéo dài gần 4 giờ đồng hồ (238 phút).
Bộ phim “Cuốn theo chiều gió” là một trong những phim màu đầu tiên trong lịch sử điện ảnh thế giới, tuy nhiên phải đến thập niên 60 khán giả mới tiếp cận được bản màu của bộ phim.
Để làm phim này, người ta phải may 5.500 bộ quần áo. Nữ diễn viên Vivien Leigh được may tất cả 30 bộ váy áo, trong đó chiếc váy màu tím có đến 27 biến thể, để khán giả có thể nhận thấy chiếc áo duy nhất của Scarlett dần dần cũ đi như thế nào. Ngoài ra, trong phim có 1.100 con ngựa, 375 con vật khác, 450 chiếc xe ngựa và xe thổ mộ.
Xem phim "Cuốn theo chiều gió," khán giả không thể nào quên được lời thoại gắn liền với tính cách của nhân vật. Điển hình là Scarlett, khi gặp rắc rối, khủng hoảng, suy nghĩ miên man, nàng luôn nói một câu “Tôi không nghĩ về nó lúc này nữa, tôi sẽ nghĩ tiếp vào ngày mai.”
Ngay cả khi biết mình đánh mất tất cả lúc Rhett ra đi, Scarlett vẫn quyết liệt, sôi sục trong suy nghĩ để giành giật lại tất cả những gì cô đánh mất, nhà cửa, đất đai và cả tình yêu cô mong mỏi tìm kiếm “Tara, nhà, ta sẽ về nhà, ta sẽ nghĩ cách để đưa anh ấy về” được diễn tả bằng niềm tin, niềm hy vọng dạt dào.
Người xem cũng không thể quên được vẻ lãng tử của Rhett Butler, ánh mắt say đắm của chàng khi gặp Scarlett lần đầu tiên ở bữa tiệc 12 cây sồi, cũng như sự đau khổ đến tột cùng khi mất cô con gái nhỏ Bonnie.
Và cảnh cuối của bộ phim cũng đọng lại trong lòng người xem nhiều suy nghĩ với hình ảnh một Scarlett đầy cương nghị, đứng trước thềm Tara ngập nắng với câu tiếp sức mạnh quen thuộc của mình “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới.”
Theo điều tra dư luận Anh, trên quê hương của Vivien Leigh, người ta coi tình yêu say đắm của Scarlett OHara và Rett Butler là một trong những thiên tình đẹp nhất thế giới.
“Cuốn theo chiều gió” là bộ phim chiếm được nhiều cảm tình của khán giả và các nhà phê bình. Phim được đề cử 14 giải Oscar và được trao tám giải, trong đó có giải Oscar dành cho Phim xuất sắc nhất năm 1940, Đạo diễn xuất sắc nhất. Vivien Leigh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Vào năm 1998, Viện phim ảnh Hoa Kỳ đã xếp cuốn phim vào hạng 4 trong danh sách 100 bộ phim hay nhất , được tuyển chọn để lưu trữ do Cơ quan quốc gia lưu trữ phim và được hoàn toàn phục hồi theo kỹ thuật số .
Cho đến nay, “Cuốn theo chiều gió” vẫn là bộ phim có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ và đứng tốp đầu danh sách 10 bộ phim thu hút khán giả nhất mọi thời đại./.