Cựu lưu học sinh Campuchia bày tỏ những ấn tượng về Việt Nam

Cựu lưu học sinh Campuchia bày tỏ tình cảm tốt đẹp về Việt Nam

Nhiều cựu lưu học sinh Campuchia bồi hồi xúc động khi ôn lại những kỷ niệm về quãng đời sinh viên xa nhà, gửi lời cảm ơn, bày tỏ những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.
Cựu lưu học sinh Campuchia bày tỏ tình cảm tốt đẹp về Việt Nam ảnh 1Ông Chin Tara, Viện trưởng Học viện Kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Việc làm và Đào tạo nghề Campuchia, cựu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên thường trú TTXVN tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: Vũ Hùng/TTXVN)

Trong những ngày hạ tuần tháng Sáu này, các cơ quan, đơn vị chức năng của Việt Nam và Campuchia đang tất bật với các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2022) giữa hai đất nước, gắn với “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022” với điểm nhấn là lễ kỷ niệm long trọng dự kiến diễn ra ngày 24/6 tới tại Hà Nội, với sự góp mặt của nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao hai nước.

Tại Campuchia, trong các cuộc tiếp xúc với phóng viên TTXVN thường trú tại Phnom Penh, nhiều cựu lưu học sinh Campuchia đã bồi hồi xúc động khi ôn lại những kỷ niệm về quãng đời sinh viên xa nhà tại "Đất nước hình chữ S," gửi lời cảm ơn, bày tỏ những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam thân thiện, mến khách.

[Tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia là tài sản chung vô giá]

Ông Chin Tara, Viện trưởng Học viện Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Việc làm và Đào tạo nghề Campuchia) - một cựu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam - đã tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc khang trang, bài trí đúng phong cách công sở ở Campuchia, với hình ảnh Quốc vương, Hoàng thái hậu và người đứng đầu chính phủ được treo trang trọng.

Cách đây hơn 30 năm, chàng trai trẻ Chin Tara đặt chân đến Việt Nam, không biết ngôn ngữ bản địa, không người thân họ hàng, bắt đầu hành trình đi tìm tri thức.

Ông chia sẻ: “Hồi đó, chúng tôi rất khó khăn, thiếu thốn. Học bổng giúp chúng tôi tiếp thu được nhiều kiến thức và kỹ năng ở Việt Nam để khi về nước làm việc với Chính phủ Hoàng gia ở Campuchia."

Ông Chin Tara là một trong số không nhiều lưu học sinh được trải nghiệm môi trường học tập và nếp sống văn hóa ở cả miền Nam, Bắc của đất nước Việt Nam. Năm 1990, năm đầu tiên của đời lưu học sinh, ông học tiếng Việt ở Trường Hữu nghị T80 (Hà Nội). Từ năm thứ hai đến hết khóa học, năm 1997 ông là sinh viên Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông kể lại: “Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm trong quá trình học tập ở đó. Tôi thấy người dân Việt Nam tốt tính và thân thiện. Xin cảm ơn sự thân thiện của người dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc và các thầy cô ở trường, đã trao cơ hội, giúp đỡ sinh viên nước ngoài rất nhiều, cả trong giai đoạn tôi học ngôn ngữ ở T80 và học chuyên ngành nông nghiệp ở Thủ Đức.”

Gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cấp học bổng cho các thế hệ lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam, Viện trưởng Học viện Kỹ thuật Công nghiệp Chin Tara bồi hồi: “Tôi phải công nhận là các bạn sinh viên Việt Nam đã hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên Campuchia rất nhiều. Người nước ngoài khi đến học ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Việt. Chúng tôi được các bạn cùng lớp và các thầy cô giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ bảo… nên đó là quãng thời gian với nhiều kỷ niệm không thể nào quên, nhất là việc trao cơ hội cho chúng tôi được học tập và mang kiến thức, kỹ năng về nước, giúp phát triển đất nước như hôm nay.”

Đồng quan điểm trên, ông Mak Chan Narith, quan chức Bộ Quan hệ với Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Campuchia, cho biết sau ngày giải phóng 7/1/1979, Đảng và nhân dân Việt Nam hỗ trợ rất nhiều và thường xuyên cho Campuchia trên mọi lĩnh vực như giáo dục, truyền thông, nông nghiệp, quốc phòng…

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam đã hỗ trợ cấp nhiều suất học bổng, mở nhiều khóa đào tạo, giúp sinh viên và cán bộ của Campuchia có điều kiện nghiên cứu, học tập, lĩnh hội và vận dụng kiến thức phục vụ phát triển nền kinh tế Campuchia.

Ông chia sẻ: “Riêng bản thân tôi cũng có may mắn được học bổng đi học ở Việt Nam trong thời gian 6 năm. Tôi đã mang những kiến thức lĩnh hội được quay về phục vụ công việc trong cơ quan nhà nước, giúp phát triển nguồn nhân lực, cũng như phát triển nền kinh tế đất nước Campuchia.”

Cựu lưu học sinh Campuchia bày tỏ tình cảm tốt đẹp về Việt Nam ảnh 2Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Phnom Penh. (Ảnh: Vũ Hùng/PV TTXVN tại Campuchia)

Theo Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng, mỗi năm Việt Nam dành cho Campuchia hàng trăm suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Campuchia cũng dành cho phía Việt Nam 35 suất học bổng, bao gồm 15 suất học bổng đại học và sau đại học, 20 suất học bổng đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Khmer trong vòng hai năm.

Hiện có khoảng 100 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Campuchia và 2.427 sinh viên Campuchia đang học tập tại Việt Nam.

Ngoài ra, hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề thông qua việc tổ chức các hoạt động phát triển nguồn nhân lực. Đây thực sự là nguồn bổ sung nhân lực rất quan trọng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nhấn mạnh: “Quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực được hai bên đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề trọng yếu có tầm chiến lược, góp phần tích cực củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, lâu dài giữa nhân dân hai nước vì mục tiêu phát triển của mỗi nước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục