Đại biểu quốc hội: Công tác thanh tra, kiểm toán 12 dự án còn rất chậm

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán 12 dự án còn rất chậm vì nếu không có kết quả thanh tra, kiểm toán thì chúng ta rất khó có phương án xử lý.
Đại biểu quốc hội: Công tác thanh tra, kiểm toán 12 dự án còn rất chậm ảnh 1Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Quốc hội Bến Tre. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre): "Đối với các đại biểu quốc hội, việc thực hiện các lời hứa rất quan trọng, bởi vì thực hiện lời hứa có tính chất trực tiếp, đã hứa rồi thì phải làm và làm như thế nào thì phải có báo cáo."

"Ở đây việc báo cáo không chỉ với quốc hội mà còn là báo cáo với cử tri và nhân dân cả nước để xem mức độ cố gắng đến đâu, đồng thời cũng để giúp cho các thành viên của Chính phủ, của Tòa án, Viện Kiểm sát và Tổng kiểm toán Nhà nước xem xét có điều chỉnh về công tác của mình đặc biệt trong công tác lãnh đạo chỉ đạo."

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã chia sẻ như vậy với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 về việc chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong kỳ họp này.

[Họp Quốc hội: Kết thúc xử lý 12 dự án yếu kém vào năm 2020]

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chuyển động của Bộ Công Thương trong thời gian qua, nhất là sau một năm Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi thấy Bộ trường Bộ Công Thương ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng thì lại là người được giao công tác trực tiếp chỉ đạo 12 dự án nghìn tỷ đồng, cá nhân tôi thấy Bộ trưởng cũng đã có nhiều cố gắng, đơn cử như việc cắt giảm các thủ tục hành chính, đây là bộ có cắt giảm nhiều nhất...

Tuy nhiên, lĩnh vực của Bộ Công Thương là lĩnh vực rất phức tạp và rất khó nên cũng có một số kết quả nhưng cũng có rất nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm.

Ví dụ như việc củng cố hệ thống quản lý thị trường. Thứ hai là có tình trạng hiện nay chúng ta thấy rằng có rất nhiều sản phẩm kém chất lượng, hàng giả vẫn tràn lan trên thị trường.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rằng việc kiểm soát rượu thủ công chẳng hạn cũng là một biện pháp thực hiện Nghị quyết 105, cho đến hiện nay khi làm về Luật phòng chống tác hại của Rượu bia nhưng cũng chưa có thể xem xét tổng kết được hơn một năm vừa qua việc thực hiện vướng mắc đến đâu...

Cá nhân tôi cũng là người ủng hộ thành lập Tổng cục Quản lý thị trường trong khi vẫn có nhiều ý kiến không đống tình về vấn đề này.

Ngoài ra, tôi cũng đồng hành rất mạnh mẽ trong việc giải quyết 12 dự án nghìn tỷ đồng và tôi cũng trực tiếp giám sát vấn đề này. Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng phải báo cáo đồng thời tôi cũng đi trực tiếp để khảo sát dự án Xơ sợi Đình Vũ và một số dự án khác.

Đại biểu quốc hội: Công tác thanh tra, kiểm toán 12 dự án còn rất chậm ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: pvn.vn)

- Vậy qua công tác giám sát, theo ông với 12 dự án nghìn tỷ thuộc ngành công thương, cần có giải pháp gì?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Giải pháp đặt ra về mặt lý thuyết là tốt, song hiệu quả chưa đạt. Tôi đơn cử như công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án này còn rất chậm vì nếu không có kết quả thanh tra, kiểm toán thì chúng ta rất khó có phương án xử lý, tại vì bản chất của nó là xử lý về tài chính và tài sản mà nếu không kiểm toán thì nguy hiểm.

Thứ hai là phương án để đấu giá, cổ phần hóa hay cho thuê hiện chưa làm được hay nói cách khác là nó rất sơ khai. Thứ ba là một số dự án có thể nói là gần như không có khả năng (Ví dụ dự án Ethanol thì không có khả năng nữa), vậy dự án đó phải xử lý như thế nào đây? còn nếu chúng ta tiếp tục để như thế này thì mỗi một ngày khấu hao mất hàng tỷ đồng thì Nhà nước và các chủ thể đầu tư vào đây phải chịu rất nhiều thiệt hại.

Tiếp đến, chúng ta vẫn chưa tính được tổng thiệt hại xảy ra, ngoài những thiệt hại mang tính chất hữu hình để đấy thì nó xuống cấp nhưng còn những thiệt hại vô hình, mất mát tài sản do khấu hao thì đến nay chúng ta vẫn chưa làm được.

Một thiệt hại rất lớn nữa là nếu 12 dự án tiếp tục như thế này thì chúng ta mất hàng trăm nghìn chỗ làm việc của người lao động, nhưng tôi cho rằng bản thân Bộ Công Thương và một mình Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không thể một mình giải quyết được mà đòi hỏi phải có sự tổng hợp của các bộ, ngành, trong đó gồm cả Ngân hàng, địa phương, cấp ủy, chính quyền, mặt trận.

Tuy vậy, với vai trò của người lãnh đạo thì phải như thế nào đây là những vấn đề chúng tôi hết sức lo lắng.

- Vậy thưa ông, với những dư án lớn, có mức đầu tư cao thì vai trò giám sát của các đại biểu quốc hội cần phát huy như thế nào để dự án đó đạt được hiệu quả cao nhất?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho là hiện nay quốc hội chủ yếu sẽ giám sát thông qua các báo cáo, còn cá nhân tôi và các đoàn đại biểu quốc hội sẽ giám sát trực tiếp.

Ví dụ với cá nhân tôi đã đề nghị với quốc hội, đối với các vụ việc như thế này thì các đại biểu quốc hội phải quan tâm và đặc biệt là Hội đồng nhân dân các cấp cũng vậy vì các cơ quan này là cơ quan quyền lực nhà nước địa phương do vậy cũng phải quan tâm.

Thế nhưng mức độ quan tâm của các cơ quan dân cử hiện nay không cao nên chưa giúp được cho Chính phủ nhiều, do vậy tôi rất là băn khoăn vấn đề này và đã từng phát biểu trước quốc hội về trách nhiệm giám sát của quốc hội. Tôi thấy biện pháp tốt nhất là giám sát phải có khảo sát, phải có xem xét và phải có thực tiễn.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục