Dân Đức nghi Thủ tướng Merkel muốn "ém" vụ bê bối do thám

Một cuộc thăm dò cho biết đa số người dân Đức được hỏi bày tỏ hoài nghi bà Merkel thực sự muốn làm sáng tỏ vụ bê bối do thám giữa BND với NSA.
Dân Đức nghi Thủ tướng Merkel muốn "ém" vụ bê bối do thám ảnh 1Trụ sở Cục Tình báo Liên bang Đức (BND) ở Berlin, CHLB Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Trong vụ bê bối do thám giữa Cục Tình báo liên bang Đức (BND) với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Quốc hội Đức muốn có thêm thông tin cho quá trình điều tra, song cho tới nay, Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn khá dè dặt về vấn đề này.

Một cuộc thăm dò do kênh truyền hình ARD tiến hành và công bố ngày 21/5 cho biết đa số người dân Đức được hỏi bày tỏ hoài nghi bà Merkel thực sự muốn làm sáng tỏ vụ bê bối này.

Theo kết quả thăm dò, có tới 62% số người Đức được hỏi không nghĩ Thủ tướng Merkel thực sự muốn làm rõ vụ bê bối liên quan tới BND và chỉ có 28% cho rằng bà muốn làm sáng tỏ hoàn toàn vụ việc.

Mối nghi ngờ đối với Thủ tướng Merkel đặc biệt cao ở những người ủng hộ các đảng đối lập và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, có tới 42% số người ủng hộ liên đảng bảo thủ của bà Merkel tin rằng người đứng đầu Chính phủ Đức không thực sự muốn làm sáng tỏ vụ bê bối do thám.

Theo một cuộc thăm dò khác do Viện Forsa thực hiện cho báo Ngôi sao và kênh truyền hình RTL, có 37% số người Đức được hỏi nói Thủ tướng Merkel đã không trung thực, liên quan tới tuyên bố trước đây của Chính phủ Đức cho rằng Berlin có thể ký kết với Mỹ một hiệp định không do thám lẫn nhau, điều được cho sẽ không bao giờ xảy ra.

Cuộc thăm dò này cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel chỉ còn 40%, mức thấp nhất trong số các cuộc thăm dò dư luận trong năm nay.

Trong khi đó, Đài Phát thanh Bắc Đức (NDR) và báo Nam Đức (SZ) ngày 21/5 dẫn lời một nhân viên hàng đầu của BND trong Ủy ban Điều tra NSA của Quốc hội Đức cho biết trong vài tuần qua, cơ quan tình báo nước ngoài này của Đức đã phát hiện thêm 459.000 mục tiêu bị NSA do thám trong giai đoạn từ 2005-2008.

Trong số các mục tiêu có những thông tin liên quan tới chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), số điện thoại các thể chế EU cũng như các nước thành viên EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các chính khách cấp cao và các công ty ở nước ngoài, không có công ty ở Đức.

Ngoài ra, trong danh sách tìm kiếm từ 2005-2008 có cả số điện thoại, fax, hòm thư điện tử, song không có địa chỉ IP của máy tính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục