Đằng sau thỏa thuận đầu tư 400 tỷ USD của Trung Quốc vào Iran

Thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Iran chỉ là một phần bức tranh toàn cảnh trong tầm nhìn của Bắc Kinh ở Trung Đông. Nói cách khác, với Bắc Kinh, Tehran là một quân cờ trên bàn cờ lớn ở khu vực.
Đằng sau thỏa thuận đầu tư 400 tỷ USD của Trung Quốc vào Iran ảnh 1Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đón Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Tehran ngày 27/3/2021. (Nguồn: AFP)

Cuối tháng trước, Trung Quốc và Iran đã ký Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện trong 25 năm, gây bất ngờ cho các bên quan tâm.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat thuộc Đại học Bar Ilan của Israel vừa có bài phân tích về bản chất của thỏa thuận có vẻ rất "hoành tráng và chiến lược" này.

Các nhà lãnh đạo của Iran và Trung Quốc không tiết lộ chi tiết, nhưng giới phân tích cho rằng phần lớn nội dung nằm trong một bản thảo 18 trang bị rò rỉ đã được tờ The New York Times công bố năm ngoái.

Bản dự thảo nêu chi tiết các khoản đầu tư tổng cộng tới 400 tỷ USD của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp dầu khí, viễn thông, cảng, đường sắt và các lĩnh vực khác của Iran. Đổi lại, Trung Quốc được Iran cung cấp dầu thô với nhiều điều khoản ưu đãi.

Điều này cho thấy Bắc Kinh đang tìm mọi cách để có được nguồn dầu mỏ dồi dào của Iran, bất chấp các lệnh cấm vận chặt chẽ của Mỹ. Tehran đương nhiên cũng có lợi lớn, do các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã và đang tàn phá ngành công nghiệp dầu khí của Iran.

Dự thảo cũng đề cập đến việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Iran, bao gồm tập trận chung, nghiên cứu quân sự và chia sẻ thông tin tình báo.

[Hợp tác Iran-Trung Quốc: Yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông]

Trung Quốc đã tiến hành hai cuộc tập trận hải quân với Iran và Nga trong khuôn khổ chống cướp biển và chống khủng bố. Ẩn sau các cuộc tập trận này là mục tiêu bảo vệ các tuyến vận chuyển dầu thô Trung Đông qua Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tới Bắc Kinh.

Tuy nhiên, thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Iran chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh trong tầm nhìn của Bắc Kinh tại Trung Đông. Nói cách khác, với Bắc Kinh, Tehran là một quân cờ trên bàn cờ rộng lớn của khu vực.

Trong chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng trước, trong đó các chặng dừng chân không chỉ có Iran mà còn cả Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Oman và Bahrain.

Bắc Kinh không muốn dừng lại Iran, vì các cường quốc khác trong khu vực cũng đang nhìn vào Trung Quốc với tư cách là một nhà đầu tư tiềm năng và cũng để thử xem chính sách mới của Mỹ ở Trung Đông sẽ được thực thi như thế nào.

Một biểu hiện nhỏ của tầm nhìn toàn khu vực của Trung Quốc là việc Bắc Kinh sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine.

Tờ China Daily đưa tin Trung Quốc có kế hoạch 5 điểm "để đạt được an ninh và ổn định ở Trung Đông bằng cách thúc đẩy mang tính xây dựng cho đối thoại Palestine-Israel, nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran và xây dựng khuôn khổ an ninh trong khu vực."

Một số nhà phân tích đang quên mất vai trò của Nga trong mối quan hệ đang bùng nổ Trung Quốc-Iran. Quan hệ Nga-Trung đã bước vào kỷ nguyên hợp tác mới trên hầu hết các lĩnh vực.

Xét về kinh tế thuần túy, Trung Quốc mạnh hơn Nga, nhưng cả hai đều mong muốn có sự cân bằng trong mối quan hệ đối tác.

Bỏ qua các tranh chấp tại các khu vực Trung Á và Bắc Cực, cả Trung Quốc và Nga đều nhìn Trung Đông như một khu vực địa chính trị mà hai có nhiều tiềm năng hợp tác. Với Nga, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực đầy biến động này sẽ giúp kiềm chế tham vọng địa chính trị của phương Tây.

Chừng nào thế đối đầu giữa phương Tây và Nga còn tiếp tục, Moskva sẽ còn coi ảnh hưởng của Trung Quốc là một đối trọng cần thiết để cân bằng ảnh hưởng của phương Tây.

Tại nhiều khu vực Âu-Á, Nga đang đẩy mạnh một số mối quan hệ để ngăn chặn sự bành trướng của phương Tây. Sự lớn mạnh của Trung Quốc tại Trung Đông thông qua thỏa thuận với Iran sẽ có lợi cho Nga trong mục tiêu chống lại sức mạnh của phương Tây trong khu vực.

Nhìn theo góc độ này, một mối quan hệ đối tác tay ba không chính thức đang hình thành giữa Nga, Trung Quốc và Iran.

Về dài hạn, Nga có thể lo lắng các cơ hội đầu tư sinh lợi ở Iran sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng đây sẽ không phải là trở ngại đáng kể với quan hệ Nga-Trung. Đúng là thỏa thuận Iran-Trung Quốc mang lại lợi thế địa chính trị cho Bắc Kinh, nhưng trước mắt, lợi thế này chỉ mang tính hình thức hơn là thực tế.

Các thỏa thuận sẽ không dễ thực hiện và Trung Quốc dường như đã có chuẩn bị sẵn lối thoát cho các cam kết đầu tư.

Sau lễ ký, người phát ngôn của Ngoại trưởng Trung Quốc Zhao Lijiang thông báo: "Kế hoạch tập trung vào việc khai thác các tiềm năng hợp tác kinh tế và văn hóa, và tìm kiếm lộ trình cho hợp tác lâu dài. Nó không bao gồm bất kỳ hợp đồng và mục tiêu định lượng hoặc hợp đồng cụ thể nào; cũng không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào."

Tuyên bố này chứng tỏ thỏa thuận Trung Quốc-Iran chỉ mang tính chung chung mà không có các chi tiết cụ thể và con số 400 tỷ USD có thể chỉ là suy đoán.

Các nhà phân tích có thể đã nghiêm trọng hóa vấn đề trong cách nhìn nhận Hiệp định hợp tác Trung Quốc-Iran.

Suy cho cùng, người phát ngôn của Chính phủ Iran Ali Rabiei đã nói rằng thỏa thuận này "không phải là một hiệp ước hoặc thỏa thuận quốc tế và không cần có sự phê chuẩn của quốc hội."

Có thể coi thỏa thuận này chỉ mang tính tham vọng thay vì thực chất, thậm chí có thể coi là một lộ trình, giống như các thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký với các nước Trung Đông khác. Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác tương tự với Iraq, Saudi Arabia và UAE.

Thỏa thuận Trung Quốc-Iran cho thấy một sự dịch chuyển chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực, mặc dù các tác động về mặt quân sự của nó vẫn chưa rõ ràng.

Điều rõ nhất hiện nay là bước đi của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông đang giảm dần, và Nga và châu Âu đều chưa có khả năng thể hiện bản lĩnh cả về kinh tế lẫn chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục