Tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam

Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam

Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” lần đầu tiên xây dựng được cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ về tiềm năng và trữ lượng dầu khí của Việt Nam.
Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam ảnh 1 Ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, đánh giá kết quả nghiên cứu của Dự án. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước để đánh giá kết quả thực hiện Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.”

Dự án do Viện Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) chủ trì thực hiện được Hội đồng xếp loại xuất sắc do có nhiều đóng góp mới, quan trọng cho khoa học địa chất dầu khí.

Kết quả nghiên cứu của Dự án đã chính xác hóa cấu trúc, làm rõ việc hình thành, tích tụ và phân bố dầu khí, lần đầu tiên xây dựng được cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ, tin cậy về tiềm năng và trữ lượng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

Dự án đã cung cấp các dữ liệu phục vụ việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, các giải pháp quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên môi trường biển của Nhà nước một cách khoa học, hiệu quả; góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng.

Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” thuộc “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/3/2006 tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, Viện Dầu khí Việt Nam đã đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí” của 8 bể trầm tích (Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu, Phú Quốc, Trường Sa, Tư Chính - Vũng Mây); đánh giá tổng thể bề tiềm năng dầu khí toàn thềm lục địa Việt Nam và định hướng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Theo Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, kết quả nghiên cứu của dự án đã làm sáng tỏ bức tranh về cấu trúc địa chất, hệ thống dầu khí của các bể/cụm bể trên thềm lục địa và vùng biển Việt Nam.

Dựa trên kết quả phân tích, đánh giá hệ thống dầu khí và tiềm năng, trữ lượng dầu khí, Dự án đã xác lập và phân chia khu vực nghiên cứu thành 5 cấp độ triển vọng: vùng triển vọng cao (thiên về dầu/thiên về khí), vùng triển vọng khá (thiên về dầu/thiên về khí), vùng triển vọng trung bình, vùng triển vọng thấp và vùng chưa rõ triển vọng.

Theo đánh giá phó giáo sư, tiến sỹ Lê Hải An - Hiệu trưởng Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, Dự án đã phân chia các đơn vị cấu trúc và xây dựng bộ bản đồ cấu trúc cho toàn bộ thềm lục địa và vùng biển Việt Nam; xác lập và chuẩn hóa các đơn vị cấu tạo bậc I, II ở các bể trầm tích, góp phần làm rõ hơn lịch sử hình thành, tiến hóa của các bể trầm tích Cenozoic trong khung cảnh kiến tạo khu vực.

Tiến sỹ Phan Ngọc Trung - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, Chủ nhiệm Dự án cho biết, từ kết quả nghiên cứu, Viện Dầu khí Việt Nam đã đề xuất phương hướng triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại từng khu vực cụ thể trong thời gian tới.

Viện Dầu khí Việt Nam đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu điều tra cơ bản; khai thác, ứng dụng tổ hợp các phương pháp và công nghệ hiện đại để nghiên cứu cấu trúc nứt nẻ, quy mô phân bố bẫy chứa và đánh giá lại trữ lượng dầu khí của đá móng ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và Đông Bắc bể Sông Hồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục