Đào tạo cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường hội nhập

Các đại biểu nhấn mạnh hội nhập quốc tế là xu hướng khách quan, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có được những năng lực nội sinh nhất định mới có khả năng đáp ứng được yêu cầu.
Đào tạo cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường hội nhập ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hội nhập quốc tế là xu hướng khách quan, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có được những năng lực nội sinh nhất định mới có khả năng đáp ứng được những yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.

Các đại biểu nhấn mạnh như vậy khi dự Hội thảo “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế" do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức sáng 25/5 tại Hà Nội.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) chủ trì Hội thảo.

Hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương và 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.

Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng ta về xây dựng cán bộ cấp chiến lược và đã coi trọng việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.

Nghị quyết đã xác định các mục tiêu, yêu cầu, lộ trình cụ thể về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch phát triển năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị.

Văn kiện Đại hội XIII cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế."

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú trọng những nội dung về nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Các ý kiến tại hội thảo nhằm làm sáng tỏ nội hàm các khái niệm và các nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải được xây dựng theo một khung năng lực được thiết kế bài bản, khoa học, có tầm nhìn và lộ trình cụ thể thì mới đáp ứng được yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế, trong đó cần tập trung vào những phẩm chất, năng lực về tư tưởng, lập trường, bản lĩnh chính trị; về văn hóa-lịch sử dân tộc và đạo đức cách mạng; về trình độ, năng lực chuyên môn, tác phong, kỹ năng giao tiếp; về khả năng nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là dự báo chiến lược. Đó là những yêu cầu cần thiết đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý làm việc trong môi trường quốc tế.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế được thực hiện tốt, kinh nghiệm cho thấy cần có những giải pháp đồng bộ, thống nhất, đặc biệt là phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nhất là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao; nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ của các cơ sở đào tạo; đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo cán bộ đạt chuẩn theo quy định; đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy.

Đồng thời, cần tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể để trọng dụng nhân tài; tuyển chọn đào tạo và gửi đào tạo ở các nước tiên tiến, sớm hình thành đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý thuộc nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.

[Công tác cán bộ: Những luận điệu lòe bịp không thể xuyên tạc sự thật]

Bên cạnh đó hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế động viên, khuyến khích tạo điều kiện để cán bộ tự giác học tập nâng cao trình độ; tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để chủ động thực hiện...

Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới các khâu trong công tác cán bộ. Việc đánh giá cán bộ phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả thực hiện từng công việc bằng những sản phẩm cụ thể, có tính định lượng; phải thu thập đánh giá bằng nhiều kênh thông tin khác nhau để có nhìn nhận đánh giá đầy đủ, thẳng thắn, khách quan, toàn diện, đúng thực chất.

Tiếp tục đổi mới việc tuyển dụng, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ; thường xuyên thực hiện luân chuyển đối với các chức danh tương đương để đào tạo, bổ sung kiến thức toàn diện và kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ.

Các tham luận đã phân tích làm sáng tỏ và nhận thức rõ yêu cầu cần phải phát triển đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trong bối cảnh mới. Hội nhập sâu rộng hơn đồng nghĩa với Việt Nam phải chấp nhận luật chơi chung, phải tự nâng cao năng lực để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội mà tiến trình hội nhập quốc tế mang lại. Điều này đòi hỏi phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đặc biệt là năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh các ý kiến trao đổi thẳng thắn, khoa học, có tính chất xây dựng và các đề xuất, kiến nghị thu nhận tại hội thảo sẽ góp phần vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-TW và cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Sau hội thảo, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Đảng chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục