Đẩy mạnh công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi

Cả nước hiện có hơn 9,4 triệu người cao tuổi, trong đó gần 2,8 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu; hơn 1,5 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội và hơn 95.000 người không nơi nương tựa.
Đẩy mạnh công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ảnh 1Khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Ngày 20/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch hoạt động năm 2015 của Ủy ban.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 9,4 triệu người cao tuổi, chiếm 10,45% dân số.

Năm 2014, công tác người cao tuổi được triển khai, thực hiện khẩn trương, đều khắp ở các bộ, ngành, cơ quan có thành viên Ủy ban Quốc gia, Văn phòng Ủy ban và các địa phương, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của cơ quan, đơn vị và tình hình thực tiễn của người cao tuổi.

Các tỉnh, thành phố đã chủ động trong triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi và các chính sách đối với người cao tuổi.

Qua kiểm tra cho thấy, 100% người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định.

Đến nay, cả nước có gần 2,8 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,5 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó có gần 1,4 triệu người từ 80 tuổi trở lên và hơn 95.000 người cô đơn, không nơi nương tựa.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tiếp tục được quan tâm. Cả nước đã có 49/63 tỉnh, thành phố thành lập Khoa Lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh (tăng thêm 20 tỉnh so với năm 2013); 270 khoa khám bệnh có buồng riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; gần 5.600 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; hơn 2,3 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ… Công tác chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi được tổ chức tốt.

Năm 2014 có hơn 1,1 triệu người cao tuổi trong độ tuổi quy định được chúc thọ, mừng thọ.

Các cấp Hội người cao tuổi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, “Tuổi cao - gương sáng” với những hoạt động thiết thực, phát huy vai trò của người cao tuổi trong nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, khuyến học khuyến tài…

Một số tỉnh triển khai thực hiện tốt mô hình thể dục, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, mô hình chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” đem lại kết quả thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng như các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác người cao tuổi ở các địa phương hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi; thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể.

Một số nơi còn coi công tác người cao tuổi chỉ là những hoạt động phong trào, là công tác của Hội người cao tuổi; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa kịp thời, thường xuyên.

Nhiều tỉnh chưa có quy định hướng dẫn triển khai thực hiện về việc giảm giá vé thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi; việc thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại xã/phường còn gặp nhiều khó khăn…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương, đánh giá cao những kết quả hoạt động của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi và các cấp, các ngành trong công tác người cao tuổi thời gian qua, đặc biệt là các chương trình chăm sóc sức khỏe, chính sách ưu tiên đối với người cao tuổi khi tham gia giao thông, phát huy vai trò người cao tuổi.

Các tỉnh đã có kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi. Ở những nơi chính quyền, các cấp ủy Đảng quan tâm đều thực hiện tốt.

Chỉ ra những hạn chế khó khăn trong việc chăm sóc người cao tuổi, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ủy ban Quốc gia, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai Luật người cao tuổi, bảo đảm các chính sách hỗ trợ đến được với người cao tuổi; đẩy mạnh công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Phó Thủ trướng lưu ý các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo, triển khai, lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình đối với người cao tuổi theo kế hoạch đề ra phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và các quy định hiện hành.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2011-2015 với tinh thần tiết kiệm, thiết thực; thống kê, rà soát lại các chính sách hỗ trợ người cao tuổi; mở rộng theo hướng xã hội hóa mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội...

Bộ Y tế cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, nhất là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi; kiện toàn, thành lập Khoa Lão khoa trong các bệnh viện, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ lão khoa cho các y/bác sỹ; thực hiện việc ưu tiên khám, chữa bệnh đối với người cao tuổi tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Hội người cao tuổi Việt Nam chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, vận động người cao tuổi tại các địa phương tham gia tuyên truyền mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân.

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi; tiếp tục tăng cường triển khai Đề án hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần đối với người cao tuổi; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của người cao tuổi...

Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ ngành kiểm tra tình hình thực hiện chính sách người cao tuổi, nhất là đối với già làng, người uy tín trong cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tham mưu, sửa đổi kịp thời các chính sách dân tộc gắn với chính sách đối với người cao tuổi.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo, duy trì, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền về công tác người cao tuổi.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội Người cao tuổi Việt Nam sớm trình Đề án thành lập tháng hành động về người cao tuổi; triển khai các hoạt động liên quan đến người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi để người cao tuổi luôn được sống mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục