Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ KHCN về tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ KHCN về tiêu chuẩn đo lường chất lượng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy phát triển KTXH.
Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ KHCN về tiêu chuẩn đo lường chất lượng ảnh 1Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh. (Nguồn: tcvn.gov.vn)

Giai đoạn 2016-2020, hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng như giám định, chứng nhận, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, tư vấn, đào tạo... do các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng triển khai đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đặc biệt, năm 2020 các đơn vị sự nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc phòng chống dịch COVID-19 thông qua các hoạt động thử nghiệm, kiểm định và đánh giá chứng nhận các trang thiết bị vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch trong nước và xuất khẩu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Linh cho biết thời gian tới, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

[Huy động mọi nguồn lực phát triển KHCN thích ứng với công nghiệp 4.0]

Theo đó, năm 2021, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng tập trung xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030; xây dựng mới các Tiêu chuẩn Việt Nam chiến lược, chủ chốt đáp ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, logistic, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, y tế, an toàn thực phẩm, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, năng lượng quốc gia....; xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực Việt Nam có tính đến tính cạnh tranh, lợi thế của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Tiêu chuẩn Việt Nam gắn chặt với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kết nối Tiêu chuẩn Việt Nam với công nghệ mới, sản phẩm khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, đảm bảo thống nhất cơ sở hạ tầng đo lường quốc gia, đảm bảo các hệ thống chuẩn đo lường quốc gia hoạt động ổn định, tin cậy, chính xác, giải quyết kịp thời các yêu cầu, đỏi hỏi của các bộ, ngành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh năm 2021, Tổng cục thúc đẩy hoạt động cung cấp dịch vụ đo lường, hiệu chuẩn, kiểm định, đo thử nghiệm và hoạt động nghiên cứu khoa học về đo lường trong cả nước gắn với hoạt động đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng để đảm bảo sự đúng đắn, thống nhất, phục vụ kịp thời nhu cầu về đo lường của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tại mỗi địa phương; chú trọng đến những nghiên cứu nhằm theo kịp sự thay đổi về phương thức sản xuất, quản lý mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục