Đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển đất nước

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện quyết tâm chính trị, đồng thuận cao để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển đất nước ảnh 1Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 16/8, Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã diễn ra theo hình thức trực tuyến tới 64 điểm cầu tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Hội nghị nhằm quán triệt, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, thể hiện quyết tâm cao và phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong toàn hệ thống Mặt trận, tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân.

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện quyết tâm chính trị, đồng thuận cao để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Cùng thực hiện khát vọng dân tộc

Sau Đại hội XIII của Đảng và trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới,” thể hiện quan điểm nhất quán và sự quan tâm của Đảng trong lãnh đạo xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, nhất là trong bối cảnh Công đoàn Việt Nam phải đối mặt với những thách thức to lớn, chưa có tiền lệ.

Khẳng định quyết tâm của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr - BCH thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới,” xác định rõ mục đích, yêu cầu; 20 chỉ tiêu hằng năm và các chỉ tiêu cụ thể theo giai đoạn; tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, 39 giải pháp.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt ra yêu cầu chung đối với các cấp công đoàn là phải nghiên cứu, học tập, tuyên truyền để thẩm thấu tư tưởng chủ đạo, nội dung chủ yếu, tinh thần cốt lõi của Nghị quyết, nhất là những nội dung về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.

“Căn cứ tình hình cụ thể, đặc thù của địa phương, đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động khả thi, thiết thực, hiệu quả. Phải huy động được đông đảo công chức, viên chức, công nhân lao động cả nước tạo thành sức mạnh giai cấp để cùng các giai tầng khác trong xã hội thực hiện khát vọng dân tộc, đưa Nghị quyết sớm vào cuộc sống, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn,” ông Nguyễn Đình Khang nêu rõ.

Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, trọng tâm là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Chương trình xác định rõ các chỉ tiêu hàng năm và chỉ tiêu cho từng giai đoạn đến năm 2023; năm 2025; năm 2030; năm 2045.

[Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII gắn với nhiệm vụ của MTTQ]

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các cấp Công đoàn cần tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, 39 giải pháp, trong đó có thể kể đến một số nhiệm vụ chính như: Tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho công nhân; đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Góp phần vun đắp giá trị gia đình trong thời kỳ mới

Tham luận tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho hay, với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung vào 6 nhóm vấn đề lớn, trong đó, nội dung cốt lõi là xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện, vun đắp giá trị gia đình trong thời kỳ mới.

Đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển đất nước ảnh 2Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo bà Hà Thị Nga, Chương trình hành động của Đảng đoàn và Kế hoạch thực hiện của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tập trung xác định các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và các giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; phát huy vai trò của phụ nữ trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ, các diễn đàn văn hóa, văn nghệ.

Chương trình hướng tới triển khai những hoạt động thiết thực, như khuyến khích mỗi phụ nữ lựa chọn tham gia một loại hình văn hóa, thể thao phù hợp; chú trọng hỗ trợ phụ nữ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nâng cao quyền năng kinh tế; hỗ trợ để phụ nữ có điều kiện, cơ hội và khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo và tôn vinh tài năng nữ thông qua các giải thưởng...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, xuất phát từ vai trò đặc biệt của người phụ nữ trong gia đình cũng như trách nhiệm của tổ chức Hội đối với công tác phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định việc hỗ trợ phụ nữ vun đắp giá trị gia đình là một trong những nội dung cốt lõi trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, nhất là trong bối cảnh gia đình Việt Nam đang chịu nhiều tác động bởi sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

“Nhiều thách thức đang đặt ra cho các gia đình, trong đó có sự biến đổi các thang giá trị, sự lệch chuẩn, sự xuống cấp đạo đức... Vì vậy, chọn vấn đề gia đình, bắt đầu từ sự vun đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp, cùng với việc làm thấm sâu những yếu tố bình đẳng, tiến bộ, hiện đại là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn tới,” bà Hà Thị Nga chia sẻ.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhiều nhà khoa học và những người hoạt động thực tiễn, từ việc cơ bản nhận diện gia đình Việt Nam thời hiện đại với những giá trị tổng hòa về văn hóa, về con người, giá trị truyền thống, giá trị hiện đại về gia phong, nền nếp, lối ứng xử; giá trị về hôn nhân, con cái; giá trị về kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề ra các giải pháp thực hiện trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Tổ chức Hội các cấp tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với việc lồng ghép các giá trị văn hóa vào nội hàm các tiêu chí để tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ thực hiện thông qua các mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu,” “Khu dân cư an toàn”; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ và tổ chức các mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc,” “Gia đình 4 chuẩn mực”; tập trung thực hiện tốt các chương trình, đề án chăm lo, hỗ trợ phụ nữ về vốn, kiến thức, đảm bảo sinh kế bền vững là giải pháp thiết thực để hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc...

Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục để phụ nữ thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm trong hôn nhân, gia đình, các cấp Hội tiếp tục nỗ lực, kiên trì vận động phụ nữ, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới - yếu tố được xem như một giá trị tiến bộ tác động tích cực đến gia đình hiện đại.

Mặt trận cần làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước.

Đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển đất nước ảnh 3Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt kết quả tốt, cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của nhân dân trong thực hiện các mục tiêu do Đại hội XIII đề ra, từ đó tuyên truyền, vận động tốt hơn, góp phần phát huy đầy đủ hơn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, với vai trò, trách nhiệm của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và mỗi tổ chức thành viên phải quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII, làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và ngược lại, theo đó, cần: “...Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tuyên truyền bằng chính tấm gương của cán bộ Mặt trận để dân hiểu sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với mình và biết được quyền lợi, trách nhiệm của mình đối với đất nước. Muốn dân phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, phải nâng cao dân trí cho họ và cho chính chúng ta bằng việc thúc đẩy sự học của từng người để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị. Trong bất cứ bối cảnh nào, học tập để nâng cao trình độ mọi mặt luôn là biện pháp số một trong phát triển bền vững.”

Từ thực tế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, bà Nguyễn Thị Doan đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến điều kiện hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp, trong đó có các tổ chức, hội thành viên, tạo điều kiện thuận lợi cả về kinh phí và động viên tinh thần cho các tổ chức này hoạt động, bởi đó chính là cánh tay nối dài của Mặt trận.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cần hướng mạnh hơn về cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt chính trị trong thực hiện nhiệm vụ, tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc để thực sự trở thành ngôi nhà chung của nhân dân.

Trong thực hiện các phong trào thi đua và các cuộc vận động, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần nghiên cứu lồng ghép các tiêu chí về gia đình học tập, công dân học tập vào tiêu chí đánh giá hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.”

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, với vị trí là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các cấp Hội Khuyến học sẽ tích cực tuyên truyền để cán bộ, hội viên học và thấm nhuần những nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện tốt Chương trình hành động, góp phần tích cực vào việc xây dựng “Xã hội học tập,” để mỗi gia đình, dòng họ trở thành “Gia đình học tập,” “Dòng họ học tập,” góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục