Để đạt mục tiêu cả năm, Bình Dương bắt buộc phải tăng trưởng 8,5% trong quý 3

Bình Dương có mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức khá, nhưng để đạt mục tiêu 8% trong năm 2024, bắt buộc trong quý 3 tỉnh phải tăng trưởng 8,5%; quý 4 phục hồi 10,7%.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức phiên họp lần thứ 63 thông qua tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh đạt được một số kết quả tích cực. Trong số 36 chỉ tiêu chủ yếu, đến nay, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt từ 50% kế hoạch trở lên; trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch năm; 1 chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ (thu hút đầu tư nước ngoài).

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,19% so với cùng kỳ năm ngoái, xếp thứ 5 vùng và thứ 34 cả nước. Trong đó, công nghiệp-xây dựng tăng 5,81%; dịch vụ tăng 7,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng có nhiều khởi sắc, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh dần phục hồi, tuy nhiên một số ngành, lĩnh vực khác, nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn, chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển còn ở mức cao, thị trường xuất khẩu nhiều cạnh tranh…

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó công nghiệp chế biến tăng 6,0%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 14,88%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 19,81%; công nghiệp khai khoáng giảm 0,88%.

Ngành điện đã chủ động các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh; tuyên truyền người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Công tác quy hoạch phát triển điện, cung cấp điện, quản lý đầu tư, di dời, giải tỏa đền bù liên quan các dự án, công trình điện... luôn được quan tâm thực hiện.

ttxvn-binh duong2.jpg
Nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn ILD Coffee Việt Nam do 2 doanh nghiệp châu Âu đầu tư tại Bình Dương. (Ảnh: Huyền Trang TTXVN)

Tính đến ngày 15/5, đầu tư trong nước đã thu hút được hơn 27.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước). Đến ngày 30/5, đầu tư nước ngoài thu hút gần 589 triệu USD (đạt 64,4% so với cùng kỳ 2023).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 166.180 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 16,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% với cùng kỳ 2023.

Dự báo về tình hình 6 tháng cuối năm, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Ngô Văn Mít cho rằng tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, nhiều khó khăn, thách thức hơn, tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư.

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn có nhiều khởi sắc, so với số liệu từ năm 2021 đến nay, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh ở mức khá.

Ông Ngô Văn Mít cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2024, bắt buộc trong quý 3 tỉnh phải tăng trưởng 8,5%; quý 4 phục hồi 10,7%.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được kỳ vọng

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư, tính đến ngày 17/6, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là 3.766 tỷ đồng, đạt 24,7% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 17,1% kế hoạch vốn Hội đồng Nhân dân tỉnh giao (cùng kỳ đạt 12,8%).

Ông Lai Xuân Đạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến nay chưa đạt được như kỳ vọng, do khó khăn và vướng mắc về cơ chế, chính sách do chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, ảnh hưởng đến công tác thực hiện của một số dự án do phải điều chỉnh lại hồ sơ, biểu mẫu,… theo quy định mới.

Ngoài ra, một số nội dung trong Luật Đấu thầu còn chưa có hướng dẫn cụ thể, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Một số quy định giữa Luật Đầu tư công, Nghị định hướng dẫn và các Luật liên quan còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, ảnh hưởng đến thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án kéo dài, phức tạp, chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế. Công tác phối hợp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị chủ đầu tư có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình...

ttxvn-binh duong1.jpg
Đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 62km với 10 làn xe kết nối các khu công nghiệp tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, theo chức năng nhiệm vụ của mình ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, ủy ban nhân dân cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém.

Yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, đảm bảo thời gian các chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhằm phục vụ công tác tham mưu điều hành kế hoạch đầu tư công; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng…./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục