Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản số 5081/CHK-TC gửi Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh giảm mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng vé phổ thông do giá nhiên liệu bay Jet A1 giảm mạnh.
Theo đó, mức trần hạng vé phổ thông nội địa cần được điều chỉnh từ 5.000 đồng/hành khách/km hiện nay xuống còn 4.250 đồng/hành khách/km, tương đương mức giảm 15%.
Trong khung giá hiện hành, mức giá tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay còn vị thế độc quyền quy định tại Quyết định số 2967/QĐ-BTC ngày 6/12/2011 của Bộ Tài chính đang được tính theo phương án giá xăng Jet A1 ở mức 130 USD/thùng, thuế nhập khẩu là 0%.
Tuy nhiên, thời điểm tháng 12/2014, giá xăng Jet A1 tại khu vực Châu Á khoảng 84,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, tính cả thuế nhập khẩu giá xăng Jet A1 là 90,63 USD/thùng.
So với mức giá nhiên liệu được tính toán trong phương án mức tối đa khung giá cước của Bộ Tài chính, giá nhiên liệu giảm 43,4%. Chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng hàng không Việt Nam nên tổng chi phí của hãng sẽ giảm khoảng 17%.
Trên thực tế, hiện các hãng hàng không đều đang kê khai mức giá thấp hơn giá trần Cục Hàng không Việt Nam quy định.
Cụ thể, nếu theo quy định của Bộ Tài chính, hiện giá vé trần của đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là 3,4 triệu đồng/lượt, nếu tính đủ thuế, phí là 3,87 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vé trần cao nhất mà Vietnam Airline đang áp dụng là 3,067 triệu đồng/lượt và dịp Tết là 3,287 triệu đồng. Giá vé cao nhất Jetstar Parcific đang bán là 2,8 triệu đồng/lượt. VietJet Air cũng đang bán vé thấp hơn từ 10%-20% so với giá trần, tùy đường bay./.