Đề xuất lệnh ngừng bắn nhân đạo tại Libya để ngăn dịch COVID-19

Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã có những phản ứng tích cực đối với những lời kêu gọi về một lệnh ngừng bắn nhân đạo nhằm đối phó với sự đe dọa của bệnh COVID-19.
Binh sỹ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) mặt trận Ain Zara ở Tripoli ngày 13/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Binh sỹ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) mặt trận Ain Zara ở Tripoli ngày 13/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 21/3 đã hoan nghênh những phản hồi tích cực từ các bên đối địch ở Libya đối với những lời kêu gọi về một lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa lúc gia tăng nhiều lo ngại liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuyên bố từ người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ: “Tổng thư ký hoan nghênh những phản hồi tích cực từ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) lần lượt trong 2 ngày 18 và 21/3 đối với những lời kêu gọi về một lệnh ngừng bắn nhân đạo nhằm chấm dứt giao chiến.”

[Tổng Thư ký LHQ chỉ định Đại diện đặc biệt tạm thời tại Libya]

Tuyên bố nhấn mạnh: “Trước tình trạng nhân đạo nghiêm trọng ở Libya và tác động có thể từ đại dịch COVID-19, Tổng thư ký kêu gọi các bên tham gia nỗ lực đối phó với mối đe dọa và đảm bảo quyền tiếp cận không bị cản trở đối với viện trợ nhân đạo trên toàn quốc… Tổng thư ký Liên hợp quốc hy vọng rằng lệnh ngừng bắn nhân đạo sẽ được chuyển thành lệnh ngừng bắn lâu dài. Vì vậy, ông kêu gọi các bên chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ khởi đầu từ các cuộc đàm phán của Ủy ban Quân sự Chung 5+5 do Liên hợp quốc bảo trợ ở Geneva hồi tháng trước.”

Tham gia ủy ban này có 5 đại diện của GNA và 5 đại diện của LNA

Trước đó, một số quốc gia Arab hôm 17/3 đã kêu gọi các bên đối địch ở Libya chấm dứt giao tranh để tạo điều kiện cho nước này đối phó với sự đe dọa từ dịch bệnh COVID-19.

LNA ngày 21/3 đã tiếp bước GNA trong việc hoan nghênh lời kêu gọi tạm dừng giao tranh để cho phép Libya tập trung giải quyết mối hiểm họa từ virus SARS-CoV-2.

Để đối phó với đại dịch COVID-19, cả GNA và LNA đều cam kết cung cấp tài chính cho các cơ quan y tế địa phương, đồng thời đóng cửa các bến cảng và sân bay.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục