Di sản đô thị Nam Bộ: Nguồn tài sản quý mang dấu ấn lịch sử

Tại các tỉnh, thành Nam Bộ, đặc biệt là các đô thị sở hữu khá đa dạng hệ thống các công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử-văn hóa có giá trị.
Di sản đô thị Nam Bộ: Nguồn tài sản quý mang dấu ấn lịch sử ảnh 1Công trình kiến trúc trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Di sản là những sản phẩm vật chất, tinh thần có giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại nhiều địa phương thuộc vùng đất Nam Bộ hiện nay còn lưu giữ rất nhiều di sản được hình thành, tồn tại cùng lịch sử phát triển của các đô thị phía Nam.

Bảo tồn, gìn giữ gắn với phát huy giá trị các di sản trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của các đô thị, đồng thời khai thác hiệu quả giá trị của di sản phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là vấn đề đang được quan tâm.

Vùng đất Nam Bộ với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm là nơi còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa. Đây là nguồn tài sản quý giá mà các thế hệ tiền nhân để lại, làm nên bản sắc văn hóa, bề dày lịch sử của từng địa phương cũng như toàn vùng, góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng di sản văn hóa của đất nước.

Đa dạng di sản đô thị

Đề cập về đô thị và di sản đô thị, các chuyên gia lý giải, đô thị là hình thái tổ chức tiêu biểu của nhiều quốc gia với mức độ tập trung cao về dân cư và hoạt động sản xuất quan trọng.

Đô thị được xem như hệ thống với các tiến trình khác nhau, trong đó nổi bật là các hoạt động sáng tạo văn hóa của thị dân đã tạo ra hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể. Những di sản tồn tại và phát triển trong không gian đô thị, vì vậy được gọi là di sản đô thị.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, di sản đô thị có thể hiểu là tập hợp các địa điểm, vị trí, khu phố, các công trình và tập quán mà một xã hội được kế thừa từ quá khứ, muốn bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ tương lai.

[Bảo tồn di sản nghề truyền thống ở Nam Bộ: Khẳng định bản sắc]

Cũng vì vậy, di sản vật thể của đô thị thường tập trung ở khu vực trung tâm bao gồm các công sở, công trình công cộng mang dấu ấn hình thành và phát triển của đô thị. Đó là các công trình tiêu biểu của kiến trúc một thời, đồng thời ẩn chứa trong nó cả những ký ức về lịch sử và con người của chính đô thị đó.

Trong chiều dài lịch sử, vùng đất phương Nam là nơi hội tụ của rất nhiều giá trị văn hóa nhân văn, văn hóa lịch sử được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của các nền văn hóa khác nhau trên nền tảng văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam. Vì vậy, hiện nay, tại các tỉnh, thành Nam Bộ, đặc biệt là các đô thị sở hữu khá đa dạng hệ thống các công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử-văn hóa có giá trị.

Đề cập về sự đa dạng của các di sản ở đô thị Nam Bộ, Giám đốc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Dương Mỹ Thu Huyền cho rằng di sản ở Nam Bộ gắn liền với cuộc sống cộng đồng cư dân từ nhiều thế kỷ đến nay, là bằng chứng sống động của quá trình cộng cư các dân tộc cùng chung sống và bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc.

Qua các nhà nghiên cứu, có thể thấy mỗi di sản đều mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc, vùng miền, như Mỹ Tho đại phố xưa (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) hay thành cổ, nhà cổ ở Biên Hòa (Đồng Nai), nội ô tòa thánh Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh.

Ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu từ Sở Văn hóa và Thể thao, hiện Thành phố có trên 170 di tích lịch sử-văn hóa, kiến trúc nghệ thuật hoặc khảo cổ học đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia và cấp thành phố, ghi dấu ấn của lịch sử đô thị Sài Gòn xưa - Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

Thành phố có hai di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng là Di tích quốc gia hạng đặc biệt là Di tích lịch sử Dinh Độc Lập và Di tích Địa đạo Củ Chi.

Tại thành phố còn có rất nhiều công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc, có chức năng và ý nghĩa khác nhau đối với đời sống đô thị như Tòa nhà ỦY ban Nhân dân Thành phố, Nhà hát Thành phố, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Nhà thờ Tân Định, Khách sạn Majestic Saigon...

Cùng ở khu vực Nam Bộ, tại tỉnh Đồng Tháp có Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt Gò Tháp ở huyện Tháp Mười, nơi lưu dấu đô thị cổ, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hóa Óc Eo - vương quốc Phù Nam ở vùng Đồng Tháp Mười nói riêng, Tây Nam Bộ nói chung.

Tỉnh Tiền Giang hiện còn một số di tích như đình Điều Hòa, chùa Bửu Lâm, chùa Vĩnh Tràng… của đô thị cổ Mỹ Tho đại phố - nơi theo các nhà nghiên cứu, từ cuối thế kỷ XVII, cùng với Cù lao phố ở Biên Hòa (Đồng Nai), Mỹ Tho đại phố đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn ở đàng trong.

Liên quan đến đặc điểm của đô thị cổ Nam Bộ và gắn liền với nó là hệ thống các di sản đô thị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đánh giá, từ khi khởi lập đến nay, vị trí các đô thị Nam Bộ luôn ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh rạch, đường biển và chế độ thủy triều…

Từ những bến-chợ đã hình thành nên các cảng thị như Sài Gòn, Cù Lao Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho (Tiền Giang), Hà Tiên (Kiên Giang) và sau này có Cần Thơ, Long Xuyên (An Giang), Sa Đéc ( Đồng Tháp).

Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là những dòng sông lớn, nhỏ, trên trục lộ chính cứ qua một bến phà (nay là một cây cầu) là vào địa phận một thành phố lớn, trung tâm một tỉnh. Những đặc trưng của đô thị Nam Bộ, vì vậy là đô thị sông nước, đô thị trung tâm kinh tế của một khu vực, đô thị đa dạng văn hóa tộc người và đô thị quy hoạch theo kiểu phương Tây.

Mang dấu ấn lịch sử

Mỗi di sản đô thị còn hiện hữu đến ngày nay ở Nam Bộ đều thể hiện dấu ấn lịch sử riêng, là những “bằng chứng” cụ thể phản ánh về lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật của một giai đoạn nhất định trong quá trình hình thành, phát triển, định hình những nét văn hóa của vùng đất phương Nam.

Di sản đô thị Nam Bộ: Nguồn tài sản quý mang dấu ấn lịch sử ảnh 2Khu di tích Gò Tháp. (Nguồn: Báo Đồng Tháp)

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Thúy Hường, Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh, từng di sản đô thị được tạo dựng và gắn liền với sự hình thành phát triển trong hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Sự lưu tồn của các di sản từ quá khứ đến hiện tại là kết tinh của những giá trị mang dấu ấn lịch sử, văn hóa ở thời kỳ hay giai đoạn của lịch sử phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của thực tại xã hội ấy. Do đó, bảo tồn những giá trị của di sản cũng chính là một sự trân trọng lịch sử khách quan.

Cũng theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Thúy Hường, đô thị Sài Gòn xưa, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay có rất nhiều di sản kiến trúc khá đa dạng, có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX; trong đó có những công trình kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt và các công trình kiến trúc của người Khmer, Hoa, Ấn Độ, hay những công trình kiến trúc Pháp, thể hiện những dấu ấn lịch sử rất rõ nét.

Các di sản đó phản ánh sự giao thoa không chỉ về kiến trúc mà cả về văn hóa của một đô thị năng động, phát triển trước đây cũng như hiện nay.

Không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp - một Di tích quốc gia đặc biệt ở xã Tân Kiều và xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) cũng cho thấy, mỗi di sản đều mang đậm dấu ấn lịch sử của chính giai đoạn mà di sản được hình thành, tồn tại.

Theo Thạc sĩ Hà Thị Sương, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), khu di tích Gò Tháp chính là một khu đô thị cổ, trung tâm văn hóa, trung tâm tôn giáo - chính trị đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền Văn hóa Óc Eo - vương quốc Phù Nam ở vùng Đồng Tháp Mười nói riêng, miền Tây Nam Bộ nói riêng.

Từ di tích Gò Tháp thể hiện đô thị và văn minh đô thị là một trong những đặc trưng nổi bật của của nền Văn hóa Óc Eo. Tìm hiểu, tiếp cận những di tích của đô thị cổ Gò Tháp sẽ thấy quá trình phát triển của các đô thị đã đánh dấu sự phát triển, chuyển tiếp từ giai đoạn tiền Óc Eo sang văn hóa Óc Eo. Hay nói cách khác là sự đánh dấu thời kỳ Tiền sử sang thời kỳ Sơ sử.

Vào thời kỳ này, nhiều khu đô thị, trung tâm chính trị, văn hóa, tôn giáo lớn của văn hóa Óc Eo đã ra đời ở Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa (vùng tứ giác Long Xuyên), Cạnh Đền, Kè Một (vùng U Minh Thượng), Nhơn Thành (vùng trũng thấp Ô Môn-Phụng Hiệp), Gò Tháp (vùng Đồng Tháp Mười)…

Trong số đó, di tích Gò Tháp chính là khu đô thị quan trọng. Từ những bằng chứng vật chất đã được phát hiện ở khu di tích Gò Tháp đã chứng tỏ đây là một khu đô thị cổ quan trọng của Nam Bộ từ những thế kỷ đầu Công nguyên, có mối liên hệ giao lưu với văn hóa Ấn Độ tiếp xúc với các yếu tố văn hóa Địa Trung Hải, Trung Á và Trung hoa.

Trong khi đó, tại vùng đất Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), dù trải qua thăng trầm của lịch sử vẫn còn lại những dấu tích của một đô thị cổ Mỹ Tho đại phố, như: Đình Điều Hòa với các bộ sưu tập lư, đỉnh đồng, sưu tập binh khí thờ, cổ vật gốm sứ.

Đặc biệt, theo các nhà nghiên cứu, những dấu ấn của Mỹ Tho đại phố còn được thể hiện rõ nét qua những câu đối, liễn, hoành phi do những gia đình người Việt, người Hoa từng dâng cúng.

Trên các hiện vật còn những dòng chữ viết nhỏ đề tên gia chủ, ngày, tháng, hiện được lưu giữ ở đình Điều Hòa, chùa Bửu Lâm, chùa Ông phường 8, ghi dấu ấn một đô thị Mỹ Tho có nền kinh tế phát triển năng động ở Nam Bộ vào thế kỷ XVII-XVIII./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục