Di sản đô thị Nam Bộ: Phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch

Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, coi di sản là tài nguyên để phát triển du lịch là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ các di sản đô thị nói riêng, các di sản văn hóa nói chung.
Di sản đô thị Nam Bộ: Phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch ảnh 1Du khách tham quan du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Xác định rõ giá trị văn hóa, lịch sử của các di sản đô thị Nam Bộ - một bộ phận của di sản văn hóa, vấn đề được quan tâm là cần thực hiện các giải pháp phù hợp để bảo tồn, phát huy hiệu quả nhất giá trị các di sản, tạo cho di sản sức sống vững bền, nhất là trong tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ hiện nay.

Bảo tồn gắn với phát huy giá trị

Đề cập đến giải pháp bảo tồn các di sản đô thị Nam Bộ, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thống nhất quan điểm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của di sản có giá trị tương hỗ trong quá trình phát triển của một xã hội mà văn hóa được xem là nền tảng.

Bảo tồn không cản trở phát triển mà tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Do đó, đối với di sản văn hóa đô thị, loại hình di sản đặc biệt tồn tại trong lòng mỗi đô thị đòi hỏi có những giải pháp gìn giữ, phát huy phù hợp với sự phát triển của đô thị trong dòng chảy cuộc sống.

Tiến sỹ Đặng Hoàng Lan (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Thạc sĩ Hầu Hải Tài (Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist) cho rằng bảo tồn và phát huy luôn là hai mặt của một vấn đề, có quan hệ biện chứng với nhau.

Nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới việc phát huy các giá trị văn hóa sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên, hạn chế việc giới thiệu các giá trị văn hóa đó đến công chúng. Nhưng nếu chỉ phát huy mà không bảo tồn sẽ dẫn đến các di sản vật thể bị xuống cấp, mai một.

Một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, theo các chuyên gia chính là cần tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các di sản. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tiếp tục xác định giá trị của di sản và đưa ra các biện pháp cụ thể để bảo tồn di sản, di tích hiệu quả.

[Di sản đô thị Nam Bộ: Nguồn tài sản quý mang dấu ấn lịch sử]

Cùng với đó, công tác quy hoạch cũng cần được coi trọng hơn để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn hiệu quả. Quy hoạch phù hợp sẽ là cơ sở để nghiên cứu đề xuất các giải pháp, cách thức vận hành, duy trì hoạt động của di tích hoặc hỗ trợ sửa chữa, tu bổ di tích, di sản bằng nguồn xã hội hóa nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa cũng như bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính khẳng định, đối với công tác quy hoạch, cơ quan chức năng không thể vì mục tiêu quy hoạch đô thị mà “bỏ quên” di sản.

Bảo tồn di sản là một công việc đòi hỏi nỗ lực từ nhiều ban ngành, địa phương. Bảo tồn di sản nếu làm tốt không chỉ giúp phát triển kinh tế và văn hóa mà còn góp phần tăng cường bản sắc dân tộc cho cả quốc gia.

Liên quan đến các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó có di sản đô thị, một biện pháp cũng được đề cập đến chính là cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau phục vụ công tác bảo tồn, bên cạnh nguồn kinh phí của nhà nước.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, tôn tạo, gìn giữ các di sản không thể chỉ phụ thuộc duy nhất vào nguồn kinh phí của nhà nước mà cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện khá hiệu quả giải pháp này.

Chỉ tính từ năm 2009-2019, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, Thành phố đã huy động được khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để bảo tồn, nâng cấp nhiều di sản, di tích trên địa bàn.

Trong thời gian tới, các địa phương, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng, nhất là những người đang sinh sống tại địa bàn có di sản hiểu rõ hơn về những giá trị của di sản, từ đó có đóng góp thường xuyên, tích cực hơn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, xác định danh mục các công trình kiến trúc nghệ thuật, quần thể kiến trúc và các công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu theo Luật Di sản văn hóa.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, liên quan đến giải pháp bảo tồn, phục hồi di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp - một di sản quý của đô thị cổ Gò Tháp, tháng 11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp ở huyện Tháp Mười. Trong đó, xác định khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích trên 298 ha, thuộc địa bàn các xã Tân Kiều Mỹ Hòa và khu vực dự kiến mở rộng.

Mục tiêu lập quy hoạch cũng được nêu rõ, nhằm nghiên cứu, bổ sung, nhận diện và bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật của di tích Gò Tháp, trở thành điểm giới thiệu, tôn vinh giá trị của nền văn hóa Óc Eo và lịch sử đấu tranh giữ nước của địa phương được lưu giữ tại di tích.

Các cơ quan chức năng cũng xác định ranh giới bảo vệ di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư lân cận, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường; tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Tài nguyên phát triển du lịch

Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, coi di sản là tài nguyên để phát triển du lịch là một trong những giải pháp hữu hiệu cần tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần bảo vệ các di sản đô thị nói riêng, các di sản văn hóa nói chung.

Di sản đô thị Nam Bộ: Phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch ảnh 2Du khách nước ngoài tham quan nhà cổ ông Kiệt tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, đưa hình ảnh của quốc gia ngày càng tiệm cận với thế giới. Do đó, du lịch của một đất nước nếu bắt đầu từ phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ luôn tạo ra giá trị khác biệt dễ dàng nhất.

Để phát triển du lịch tựa vào nền tảng di sản và văn hóa, cần tạo ra sự khác biệt, lan tỏa những thông điệp đúng và dẽ nhớ, dễ hiểu, “găm” vào tâm trí của du khách.

Đồng quan điểm, đề cập đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường, Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những giải pháp hiệu quả là đẩy mạnh giới thiệu các di sản này đến khách du lịch.

Du khách đến thành phố không chỉ muốn tham quan, chiêm ngưỡng thành phố của hiện tại, mà còn có nhu cầu tìm hiểu lịch sử hình thành đô thị Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có những di sản kiến trúc như Trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố, chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà…

Mới đây, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố Bộ Tài nguyên du lịch trên địa bàn. Theo đó, trong tổng số trên 360 điểm đến hấp dẫn được đánh giá có khả năng thu hút du khách, có tới trên 220 điểm là các di sản, di tích lịch sử-văn hóa, các công trình kiến trúc nghê thuật, các làng nghề được xây dựng, gìn giữ cùng với lịch sử hình thành, phát triển của đô thị Sài Gòn xưa, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

Còn theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, với di sản khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp, một trong những định hướng bảo tồn, phát huy giá trị được đề ra là gắn với phát triển du lịch bền vững, tổ chức các tuyến du lịch kết nối di sản này với các địa danh du lịch trọng điểm khác ở vùng Tây Nam Bộ.

Đồng thời, đề xuất giải pháp kiểm soát lượng khách du lịch và các hoạt động kinh tế-xã hội của khu vực xung quanh di tích để phù hợp yêu cầu bảo vệ, bảo tồn di tích.

Tương tự, với tỉnh Sóc Trăng, theo Tiến sỹ Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sóc Trăng, những di sản đô thị cùng với quá trình chuyển mình từ phủ Ba Xuyên (năm 1835) cho đến tỉnh Sóc Trăng hôm nay, như chùa Mahatup, chùa Kh'leang hay đình Năm Ông, chứa đựng nhiều truyền thuyết hấp dẫn liên quan đến quá trình khai phá vùng đất này.

Hiện nay, các di sản này đã trở thành điểm đến du lịch, được nhiều du khách biết tới. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn những di sản liên quan đến đô thị xưa cần tiếp tục được tìm hiểu, khai thác, từ đó biến di sản thành tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa và hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục