Định hướng áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam

Ngày 28/5, Bộ Tài chính phối hợp với JICA tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của một số quốc gia và định hướng của Việt Nam.”
Định hướng áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Ngày 28/5, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của một số quốc gia và định hướng của Việt Nam” nhằm chia sẻ kinh nghiệm áp dụng chuẩn mực IFRS tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Trung Quốc… và lấy ý kiến về Dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Ông Vũ Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán thuộc Bộ Tài chính, cho biết, trong chiến lược đến năm 2020, kế toán kiểm toán của Việt Nam sẽ tiệm cận thông lệ quốc tế.

Cách đây hơn 10 năm, Việt Nam đã ban hành được 26 chuẩn mực kế toán, nhưng hiện nay các chuẩn mực này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, đặt ra nhiệm vụ yêu cầu Bộ Tài chính phải xây dựng lại một hệ thống chuẩn mực mới.

“Tuy nhiên, chuẩn mực quốc tế rất phức tạp, phải thực hiện cho phù hợp với Việt Nam vì chúng ta có nhiều đối tượng liên quan trong hệ thống kế toán do có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau,” ông Vũ Đức Chinh nói.

Theo ông Vũ Đức Chinh, sau khi được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ triển khai cụ thể từng bước như xây dựng bộ chuẩn mực khi dịch sang tiến việt, ban hành hoặc công nhận một hệ thống chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra phải có hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam tương tự như hệ thống 26 chuẩn mực để áp dụng cho một số đối tượng khác. Sau đó cần có các cẩm nang quy định về nguyên tắc báo cáo tài chính, quan tâm tới đào tạo, nghiên cứu xây dựng…

Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Kế toán, Kiểm toán cũng cho biết mục tiêu chung của việc áp dụng IFRS vào Việt Nam nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, nâng cao tính minh bạch của các thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các nguồn vốn và niêm yết trên thị trường quốc tế, để Việt Nam được quốc tế công nhận là một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Đối tượng và phạm vi áp dụng của Dự thảo dự kiến đối tượng bắt buộc là các công ty niêm yết, các doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng là đơn vị có lợi ích công chúng quy mô lớn theo quy định của pháp luật như các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính khác và doanh nghiệp nhà nước.

Đối tượng tự nguyện là tất cả các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng bắt buộc nếu có nhu cầu và tự nguyện áp dụng.

IFRS được áp dụng để lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp độc lập, báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ.

Định hướng áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam ảnh 2Ông Sekiguchi Tomokazu, đại diện Công ty kiểm toán KPMG AZSA chia sẻ kinh nghiệm áp dụng IFRS ở một số quốc gia. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Chia sẻ về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, ông Sekiguchi Tomokazu, đại diện KPMG Việt Nam cho biết lộ trình áp dụng IFRS (hoặc chuẩn mực tương đương) của mỗi nước rất khác nhau, tùy vào tình hình thực tế của từng nước, và phải đảm bảo lên kế hoạch kỹ trước khi áp dụng.

Tại Hàn Quốc, tất cả các công ty niêm yết, tổ chức tài chính, doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước và các đơn vị có lợi ích công chúng khác đều thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng IFRS từ năm 2011.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, các công ty hoạt động tại đây phải áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc gia của Trung Quốc nên chưa có quy định đối tượng cụ thể nào phải áp dụng IFRS và áp dụng chuẩn mực IFRS cho việc lập báo cáo tài chính hợp nhất hay báo cáo tài chính riêng.

Ông Trần Anh Quân, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam thì cho rằng việc áp dụng IFRS vào bất kỳ một quốc gia nào cũng là thách thức ngay cả đối với các nước phát triển, Việt Nam là một quốc gia có xuất phát điểm nền kinh tế thấp nên việc này lại càng là thách thức lớn.

Đại diện của JICA cho biết việc áp dụng IFRS rất quan trọng, tại Việt Nam, JICA có thể hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm áp dụng IFRS của Nhật Bản, sự cân đối khi áp dụng IFRS với hệ thống chuẩn mực.

Ông Vũ Đức Chinh cũng chia sẻ thêm, việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế nghĩa là hệ thống kế toán kiểm toán sẽ có một “ngôn ngữ” chung cho toàn bộ các doanh nghiệp ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Điều này sẽ rất có lợi khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường vốn quốc tế, các báo cáo tài chính được làm theo chuẩn mực quốc tế, sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn về các thông tin đưa ra. Ngay cả việc đàm phán kinh tế, hay ở tầm vĩ mô quốc gia nếu làm theo chuẩn mực quốc tế sẽ có nhiều thuận lợi hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục