Đổi mới công tác tổ chức để tạo sức hút cho Hội Báo toàn quốc

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng việc tạo sức hút cho Hội báo vẫn luôn là thách thức và cần được rút kinh nghiệm trong từng năm tiếp theo để Hội Báo toàn quốc thực sự là ngày hội của báo giới.
Đổi mới công tác tổ chức để tạo sức hút cho Hội Báo toàn quốc ảnh 1Ban Tổ chức chấm điểm gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam tại Hội báo toàn quốc 2017. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Sau nhiều năm được tổ chức, Hội Báo toàn quốc đã, đang trở thành ngày hội của giới báo chí, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong đời sống, xã hội.

Trước thềm Hội Báo toàn quốc 2018, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Hội báo, nhà báo Hồ Quang Lợi về những nét mới, đặc sắc của Hội báo năm 2018.

- Là một trong những lãnh đạo đơn vị chuyên tổ chức Hội Báo toàn quốc, ông có thể chia sẻ về lịch sử hình thành, phát triển của Hội báo?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hội báo Xuân đầu tiên của giới báo chí Việt Nam được tổ chức đồng thời với Giải Báo chí toàn quốc lần thứ nhất vào dịp đầu Xuân năm 1993. Từ đó, Hội báo Xuân được tổ chức 5 năm một lần ở cấp Trung ương, ở địa phương vẫn tổ chức hằng năm.

Cách đây hơn chục năm, Hội báo Xuân được thống nhất tổ chức dịp Tết Nguyên đán, còn Giải Báo chí toàn quốc (sau này đổi thành Giải Báo chí quốc gia) được tổ chức dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).

Tới năm 2016, thấy rằng ở cấp Trung ương chỉ tổ chức trưng bày báo Xuân 5 năm một lần chưa đủ để phản ánh hết hoạt động của giới báo chí trong thời gian đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã nghiên cứu, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, quyết định chuyển Hội báo Xuân thành Hội Báo toàn quốc và tổ chức mỗi năm một lần.

Bắt đầu từ đó, Hội báo không chỉ là nơi trưng bày báo Xuân, các ấn phẩm Tết mà còn là một tổ hợp các hoạt động chính trị, văn hóa, nghiệp vụ và giao lưu gặp gỡ. Hiện, Hội Báo toàn quốc đã trở thành một sinh hoạt không thể thiếu được của giới báo chí, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của cả giới báo chí cũng như đông đảo công chúng; là hoạt động mang tính xã hội-nghề nghiệp sôi động, hấp dẫn.

- Từng nhiều lần tham gia Hội báo, đặc biệt là sau những lần trực tiếp là thành viên ban tổ chức, ban chỉ đạo, xin ông cho biết thành công, những điểm còn hạn chế để Hội Báo toàn quốc tiếp tục được hoàn thiện?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hội Báo toàn quốc năm 2016 và 2017 đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trong giới báo chí, dư luận xã hội, từ đó công chúng nhìn thấy sự lớn mạnh của báo giới, các cơ quan báo chí trong những thách thức của thời đại truyền thông kỹ thuật số. Bản thân các nhà báo, cơ quan báo chí đã có nỗ lực vượt bậc để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Có thể nói, mỗi lần Hội báo được tổ chức là một lần khẳng định vai trò to lớn của giới báo chí trong đời sống xã hội. Dù gặp rất nhiều thách thức nhưng vai trò này ngày càng được khẳng định, thể hiện rõ hơn.

Qua mỗi năm, Hội Báo toàn quốc không chỉ dừng lại ở việc trưng bày các sản phẩm báo Xuân, báo Tết mà cùng với đó là một tổ hợp các hoạt động văn hóa, chính trị sôi động của giới báo chí. Đây thực sự là ngày hội không chỉ của những người làm báo mà của cả công chúng báo chí. Đặc biệt, những năm vừa qua, Hội báo có sự tham gia, hưởng ứng của sinh viên các trường, học viện đào tạo báo chí, đông đảo bạn đọc. Đó là sự động viên, khích lệ to lớn của xã hội đối với giới báo chí.

Thành công tiếp theo có thể kể đến là trong Hội báo, công chúng báo chí, lãnh đạo các cấp, ngành được giao lưu với các nhà báo để hiểu rõ hơn công việc của họ, phối hợp tốt hơn trong việc cung cấp thông tin, tiến đến xây dựng xã hội thông tin lành mạnh. Hội báo cũng là dịp để các nhà báo trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong hoạt động chuyên môn; là môi trường để các nhà báo tương tác, giao lưu, học hỏi.

Bên cạnh những thành công đó, qua mấy năm triển khai Hội báo, ban tổ chức thấy rằng bên cạnh những đơn vị báo chí tham gia tích cực còn có những đơn vị, cấp hội chưa nhiệt tình lắm với hoạt động này. Hội báo đòi hỏi có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, các cấp hội, các thành phần xã hội để được tổ chức đúng với tầm vóc vốn có. Hơn nữa, nội dung của Hội báo vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến, đổi mới để mỗi hoạt động trong đó đều hấp dẫn, thu hút đông đảo báo giới, công chúng báo chí. Đáng chú ý, việc tạo sức hút cho Hội báo vẫn luôn là thách thức cho ban tổ chức, ban chỉ đạo và cần được rút kinh nghiệm trong từng năm tiếp theo để Hội Báo toàn quốc thực sự là ngày hội lớn của báo giới.

- Hội Báo toàn quốc hiện đã được tổ chức mỗi năm một lần, như vậy Ban tổ chức có gặp khó khăn hơn so với trước không, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Từ khi Hội báo diễn ra 5 năm một lần đến khi được tổ chức hằng năm thì vấn đề được quan tâm cũng là khó khăn nhất đối với ban tổ chức là làm sao để đưa nội dung trưng bày báo Xuân thành ngày hội báo chí. Vấn đề này, ngay từ năm 2016 đến tận bây giờ và có lẽ sẽ tiếp tục được ban tổ chức, các bộ phận liên quan của Hội Nhà báo Việt Nam, các ban, bộ, ngành chú trọng thảo luận, tìm giải pháp.

Việc đảm bảo cơ sở vật chất, chi phí tài chính để tổ chức Hội Báo toàn quốc, với Hội Nhà báo Việt Nam - đơn vị thường trực Ban tổ chức - không bao giờ hết khó khăn. Trong khi ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động này hết sức hạn chế, Hội luôn phải vận động sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, các cấp hội trên tinh thần rất tiết kiệm. Không thể tính hết công sức của các nhà báo, đơn vị bỏ ra để xây dựng gian trưng bày, tổ chức hoạt động. Nhưng ai ai cũng cảm thấy đến tham gia Hội báo, "trưng diện" vì thương hiệu, “màu cờ sắc áo” của đơn vị mình là điều vô giá. Bởi vậy, họ sẵn sàng bỏ công sức, tiền của, trí tuệ để làm cho gian hàng cũng như các hoạt động của mình thêm ý nghĩa, sống động.

- Vượt lên những khó khăn đó, Hội Báo toàn quốc hàng năm đang trở thành ngày hội của giới báo chí cả nước. Năm nay, có gì đặc sắc trong ngày hội lớn đó, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Năm nay, Hội báo có sự tham gia, tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của giới báo chí, đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương, các trường, học viện báo chí. Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp tham gia của lãnh đạo thành phố Hà Nội, các sở, ban ngành trong sự kiện lớn của giới báo chí cả nước.

Năm nay, với chủ đề “Báo chí Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới," Hội Báo toàn quốc có quy mô lớn với sự tham gia của 55 đơn vị đến từ các Liên chi hội, chi hội Trung ương, cơ sở đào tạo báo chí, các công ty kinh doanh thiết bị làm báo.

Trong thời gian 3 ngày, Hội Báo toàn quốc 2018 sẽ có nhiều hoạt động phong phú, có sức lôi cuốn. Ban tổ chức mời nhiều diễn giả uy tín, kinh nghiệm tới tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm, giao lưu và tiếp xúc với lãnh đạo một số bộ, ngành, báo chí như: Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Kiên, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội...

[Hội Nhà báo tri ân những đóng góp cho thành công của Hội báo toàn quốc]

Mọi năm, các đơn vị báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân… thường có những gian trưng bày quy mô. Năm nay, ban tổ chức có thêm yêu cầu nữa là tại gian trưng bày của các đơn vị bên cạnh việc trưng bày ấn phẩm cần tổ chức thêm nhiều hoạt động.

Trong 2 năm qua, đặc biệt là năm 2017, khẩu hiệu “xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động” trở thành thông điệp mạnh đối với toàn bộ dư luận xã hội, tạo chuyển động sâu, rộng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Ban tổ chức Hội báo thấy rằng đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết nên đã có sáng kiến lập gian trưng bày “Báo chí với việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động”; giao cho Cổng thông tin điện tử Chính phủ - đơn vị liên quan trực tiếp đến điều hành của Chính phủ thực hiện.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà báo hiện nay là những tấm gương sáng về đạo đức, hoạt động nghề nghiệp, có tinh thần cống hiến cao. Tuy nhiên, vẫn còn có những nhà báo có sự suy giảm về đạo đức, có những hành vi sai trái nên để lại hậu quả đáng tiếc.

Hội Nhà báo Việt Nam coi việc thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, giữ vững và phát huy đạo đức người làm báo là hết sức quan trọng trong xây dựng nền báo chí lành mạnh nên cũng có sáng kiến thành lập gian trưng bày “Đạo đức người làm báo”.

Cùng với 2 gian trưng bày trên, Hội Báo toàn quốc 2018 còn có thêm 2 gian trưng bày chuyên đề nữa là “Báo chí với công tác xây dựng Đảng," "Báo chí với Quốc hội và cử tri." Đây là điểm đặc sắc hơn của Hội Báo toàn quốc 2018 so với các năm trước.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục