Dự án Metro tại Bình Dương: Nguy cơ nộp phạt là khó tránh khỏi

Phía nhà thầu Nhật Bản đã khiếu nại và yêu cầu nếu không bàn giao mặt bằng đúng hẹn, chủ đầu tư sẽ phải bồi thường cho nhà thầu 100.000 USD/ngày.
Dự án Metro tại Bình Dương: Nguy cơ nộp phạt là khó tránh khỏi ảnh 1Vì vướng mặt bằng tại Công ty Vĩnh Phát khiến dự án Metro số 1 bị ách tắc và có nguy cơ phải bồi thường hàng tỷ mỗi ngày cho đơn vị thi công. (Ảnh : Chí Tưởng-Hải Âu TTXVN)

Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên do Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh làm chủ đầu đang được khẩn trương xây dựng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn vướng bàn giao mặt bằng tại Thị xã huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với gần 2 ha của Công ty Thương mại Dịch vụ Vĩnh Phát (gọi tắt là Công ty Vĩnh Phát).

Trước sự chậm trễ này, phía nhà thầu Nhật Bản đã khiếu nại và yêu cầu nếu không bàn giao mặt bằng đúng hẹn, chủ đầu tư sẽ phải bồi thường cho nhà thầu 100.000 USD/ngày.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đều đã vào cuộc. Thậm chí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sau khi kiểm tra tiến độ dự án đã có chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phải hoàn tất bàn giao mặt bằng trước ngày 31/10/2014, thế nhưng đến nay mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Tìm hiểu nguyên nhân chậm trễ này, bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty Vĩnh Phát cho biết: doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ, chấp thuận chủ trương di dời để triển khai dự án; tuy nhiên lý do công ty chưa bàn giao mặt bằng vì cách thức thực hiện thu hồi đất của tỉnh Bình Dương chưa đúng, chưa thỏa đáng.

Cụ thể vào ngày 21/12/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ra quyết định số 3552/QĐ-UBND thu hồi đất của Công ty Vĩnh Phát tại phường Bình Thắng, Thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) để thực hiện dự án bến xe miền Đông mới, tuyến Metro số 1 và dự án mở rộng xa lộ Hà Nội; xác định tổng diện tích đất thuộc quyền sở hữu của Công ty Vĩnh Phát là trên 19.999,5 m2, tuy nhiên lại giao Thị xã Dĩ An thu hồi diện tích 19.700,4 m2.

Quyết định này không tách 3 dự án riêng biệt bằng 3 quyết định thu hồi đất mà nhập chung với nhau. Theo bà bà Nguyễn Thị Lương, cách làm này là chưa đúng quy trình; dẫn đến việc Thị xã Dĩ An không lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho công ty theo 3 phương án, ảnh hưởng đến cách tính bồi thường đất vì mỗi dự án có phương thức, cách thức bồi thường không giống nhau.

Về diện tích bị thu hồi, bà Lương cho biết: bà sở hữu 19.999,5 m2 nhưng các cơ quan kiểm kê lại kiểm không đủ, chỉ có 19.700,4 m2, thiếu 299,1 m2. Cùng với đó một số tài sản trên đất, công trình kết cấu hạ tầng kĩ thuật được bồi thường đã không được kiểm kê đầy đủ.

Mặt khác, Ùy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi đất ngày 21/12/2012 nhưng phải đến 25/4/2013 Thị xã Dĩ An mới công bố cho Công ty Vĩnh Phát, là quá chậm trễ.

Không đồng ý với cách làm này, bà Nguyễn Thị Lương đã có văn bản đề nghị tỉnh Bình Dương phải áp giá bồi thường theo bảng giá đất năm 2014 vì đây là thời điểm công ty nhận được quyết định thu hồi đất; cần tách 3 hồ sơ bồi thường của 3 dự án riêng; kiểm kê lại đối với phần diện tích và tài sản còn thiếu; bồi thường hỗ trợ 100% giá trị tài sản (không được tính khấu hao); cho công ty ứng trước 10 tỷ đồng để di dời thiết bị máy móc, xe cơ giới cũng như hỗ trợ 6 tháng tiền lương cho người lao động.

Tuy nhiên các khiếu nại, đề nghị này của bà Lương đã bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương bác bỏ. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, từ tháng 3/2013-7/2014, Ủy ban Nhân dân Thị xã Dĩ An đã 7 lần công bố, điều chỉnh, bổ sung tiền bồi thường, hỗ trợ về đất cho Công ty Vĩnh Phát, từ con số ban đầu với 52,4 tỷ đồng được nâng lên thành 125 tỷ đồng.

Đối với việc nhà thầu có ý muốn khoan 5 mũi thăm dò địa chất trong phần đất của Công ty Vĩnh Phát để phục vụ công tác khảo sát thiết kế, bà Nguyễn Thị Lương xác nhận, sẽ đồng ý với điều kiện Ủy ban Nhân dân và Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chính thức có văn bản đề nghị. Ngoài ra, bà Lương cũng mong muốn được bố trí mặt bằng mới tương thích với mặt bằng cũ để tiếp tục kinh doanh (mua bán, ký gửi xe cơ giới).

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đã có cơ chế hỗ trợ tỉnh Bình Dương trong việc giải phóng mặt bằng tại Thị xã Dĩ An. Việc chậm trễ này (dự kiến tháng 3/2015 sẽ bàn giao mặt bằng) đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Phía nhà thầu đã có khiếu nại thiệt hại về thời gian và chi phí (máy móc thiết bị, nhân công, tổ chức bộ máy).

Hiện nhà thầu đang tính toán các mức thiệt hại cũng như chứng minh các lỗi của phía Việt Nam. Chủ đầu tư đã báo cáo lên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn tỉnh Bình Dương sớm bàn giao mặt bằng để các đơn vị thi công tiếp cận khu đất thuộc Công ty Vĩnh Phát khoan 5 mũi thăm dò địa chất.

Rõ ràng quy trình giải quyết cùng diễn biến vụ việc như đã nêu trên cho thấy, kế hoạch đến tháng 3/2015 sẽ có mặt bằng để thi công là điều khó thực hiện; nguy cơ chủ đầu tư dự án Metro số 1 nộp phạt 100.000 USD/ngày là điều khó tránh khỏi.

Tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên dài 19,7 km, đi qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) và Thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), có tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ USD, dự kiến hoàn thành và chạy thử trong năm 2019, khai thác thương mại từ năm 2020.

Dự án có 5 gói thầu chính, trong đó gói thầu (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến Nhà hát thành phố) sẽ ký hợp đồng thi công vào cuối năm 2015. Gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ ga nhà thành phố đến ga Ba Son) hiện đã thi công xong 18/31 panel tường vây.

Gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot) đã hoàn thành 99,9% khối lượng công tác khảo sát địa chất (chỉ còn vướng 5 vị trí hố khoan tại phần đất của Công ty Vĩnh Phát), đã thi công được 62% đóng, ép cọc và đổ bê tông tường chắn, hoàn thành 76% khối lượng cọc khoan nhồi, 58% khối lượng đài cọc, 26% khối lượng cột trong nhà ga…

Gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đã vận chuyển mô hình đầu máy toa xe về Việt Nam, chuẩn bị lắp đặt mô hình tại bãi đúc dầm ở quận 9. Trong khi đó gói thầu số 4 (hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành bảo dưỡng) hiện đang triển khai các thủ tục để thu xếp vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục