Đức cam kết hỗ trợ Hy Lạp giải quyết gánh nặng người di cư

Đức cam kết giúp Hy Lạp sau khi xảy ra các vụ lật thuyền chở người di cư gần bờ biển Hy Lạp trong hai ngày qua, khiến 15 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích.
Đức cam kết hỗ trợ Hy Lạp giải quyết gánh nặng người di cư ảnh 1Người di cư tới đảo Lesbos của Hy Lạp sau hành trình vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 29/10, Đức đã cam kết hỗ trợ Hy Lạp trong việc giải quyết gánh nặng của dòng người di cư vẫn đang ồ ạt đổ về các bờ biển của Xứ sở Thần thoại mỗi ngày.

Đức đưa ra tuyên bố trên sau khi xảy ra các vụ lật thuyền chở người di cư gần bờ biển Hy Lạp trong hai ngày qua khiến 15 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích.

Trong chuyến thăm Athens, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết nước này sẵn sàng "kề vai sát cánh" với Hy Lạp, quốc gia được xem là "tiền tuyến" trong cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ông nhấn mạnh trong bối cảnh Hy Lạp đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế, dòng người di cư ồ ạt đổ về nước này thực sự là một gánh nặng. Do đó, Đức sẽ hỗ trợ Hy Lạp trong việc đối phó với thách thức lớn này.

Theo ông Steinmeier, châu Âu cần phải phối hợp hành động để kiểm soát tình hình, bảo vệ các đường biên giới của "lục địa già," đồng thời triển khai một kế hoạch hành động chung về vấn đề tị nạn và nhập cư, cũng như phân chia công bằng số người tị nạn.

Từ đầu năm đến nay, hơn 500.000 người di cư đã cập bờ biển của Hy Lạp nhằm tìm kiếm sự an toàn và một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu. Hơn 3.200 người, trong đó có nhiều trẻ em, đã thiệt mạng trên hành trình vượt biển nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ để đến Hy Lạp.

Cuộc khủng hoảng người di cư không chỉ gây ra những ý kiến trái chiều giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong việc tiếp nhận người tị nạn mà còn gây mâu thuẫn trong nội bộ các nước, đặc biệt là tại Đức, quốc gia đầu tàu trong vấn đề này.

Cơ quan công tố liên bang nước này thông báo đã nhận được gần 400 đơn kiện Thủ tướng Angela Merkel vì chính sách của bà đang thực hiện với cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay ở Đức.

Các cáo buộc liên quan đến các vấn đề bảo vệ nhà nước, an ninh bên trong, bên ngoài lãnh thổ Đức. Một trong số cáo buộc cho rằng bà Merkel đã phạm tội "phản quốc" do chính sách với người tị nạn của bà đã gây phương hại tới trật tự hiến pháp nước này.

Không chỉ bà Merkel, một trong các đơn kiện còn cáo buộc cả Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière và Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen liên quan chính sách người tị nạn.

Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 29/10, quân đội và cảnh sát Slovakia đã tiến hành cuộc diễn tập chung mang tên Operation South (Chiến dịch miền Nam), trong đó quân đội phối hợp với cảnh sát nhằm bảo vệ biên giới với Hungary để đối phó với khủng hoảng di cư.

Theo một phần trong cuộc diễn tập quy mô quốc gia, các đơn vị cảnh sát và quân đội Slovakia đã phối hợp tuần tra vùng đất rộng 526km thuộc khu vực biên giới phía Nam rộng 655km liên tục trong vòng 2 giờ đồng hồ với sự hỗ trợ của lính cứu hỏa.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Rober Kalinak, sau khi nước này gia nhập khu vực tự do đi lại Schengen năm 2007, cảnh sát Slovakia đã không lường trước được họ sẽ cần một lực lượng lớn để tuần tra biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục