Ngày 13/11, Bộ Nội vụ Đức thông báo quyết định kéo dài thời gian áp dụng kiểm tra tại biên giới cho đến giữa tháng 2/2016, trong bối cảnh dòng người di cư đổ đến nền kinh tế đầu tàu của châu Âu này đã đông đến mức kỷ lục.
Theo thông báo, do tình hình người di cư đến nay vẫn chưa có thay đổi đáng kể nào nên chính quyền buộc phải tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm tra tại biên giới thêm ba tháng.
Trước đó, Đức dự kiến sẽ có 1 triệu người di cư đổ vào nước này trong năm 2015 và đã áp dụng biện pháp trên từ ngày 13/9. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng không có dấu hiệu cải thiện, Đức đã thông báo với Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục áp dụng đến cuối tháng 10.
Cùng ngày 13/11, nước láng giềng với Đức là Áo tuyên bố sẽ bắt đầu dựng hàng rào dây thép gai dài 3,7km, cao có nơi tới 2,2m, dọc biên giới với Slovenia để có thể kiểm soát tốt hơn dòng người di cư.
Hàng rào sẽ được hoàn tất trong 6 tuần. Người đứng đầu văn phòng Thủ tướng Áo Josef Ostermayer khẳng định hàng rào chỉ nhằm thiết lập quy củ trong dòng người nhập cư, chứ không phải ngăn cách biên giới.
Quyết định trên được Áo đưa ra chỉ hai ngày sau khi nước làng giềng Slovenia thực hiện biện pháp tương tự dọc biên giới với Croatia.
Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner cho biết sẵn sàng dựng hàng rào dài tới 25km dọc biên giới có chiều dài tổng cộng 330km giữa Áo và Slovenia nếu các biện pháp kiểm soát dòng người di cư từ phía Slovenia không hiệu quả.
Chính quyền Áo dự kiến đón khoảng 95.000 người tị nạn trong năm 2015, khiến nước này trở thành một trong những nước đứng đầu về số người tị nạn tình bình quân đầu người.
Chính phủ Canada đang lên kế hoạch tiếp nhận 1.000 người tị nạn Syria mỗi ngày, trong nỗ lực hoàn thành mục tiêu đón 25.000 người tị nạn Syria từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, thời gian triển khai cụ thể chưa được công bố.
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn nguồn tin sở tại cho biết, theo kế hoạch đã được thông qua, mỗi ngày chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau sẽ đưa 1.000 người tị nạn Syria từ Amman, Jordan đến Canada trên 3 chuyến bay.
Cơ quan Di trú và Nhập cư Canada chịu trách nhiệm thẩm định, xét duyệt các hồ sơ xin tị nạn và lập danh sách những người được chọn nhằm đảm bảo không để lọt các phần tử khủng bố. Ngoài ra, những người được chọn cũng phải đáp ứng một số quy định khác của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) mà Canada là một thành viên.
Đến nay Canada mới chỉ có kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Syria từ Jordan. Trước đó, Bộ trưởng Nhập cư, Di trú và Quyền công dân John McCallum cho biết Canada có thể lập điểm tiếp nhận ở cả Liban và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời sẽ đưa khoảng 11.000 người tị nạn tới tạm trú trong các căn cứ quân sự do chính phủ chưa lo được chỗ ở ngay cho họ.
Việc tiếp nhận 25.000 tị nạn Syria từ nay đến cuối năm đang là một trong những ưu tiên của chính phủ đảng Tự do, bên cạnh vấn đề khí hậu và một số vấn đề nóng khác.
Chính phủ của Thủ tướng Trudeau cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu theo đúng cam kết tranh cử, bất chấp những khó khăn trước mắt cả về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và eo hẹp về thời gian.
Trong thông báo mới nhất, Chính phủ Canada cho biết đang tiến hành đối thoại với chính quyền các tỉnh bang và vùng lãnh thổ về việc thực thi kế hoạch này./.