ECLAC: Kinh tế Argentina có thể tăng trưởng âm trong năm 2014

ECLAC dự báo kinh tế Argentina có thể sẽ tăng trưởng âm trong năm nay do việc Argentina rơi vào tình cảnh bị coi là vỡ nợ, khiến cho nước này đứng ngoài các thị trường nợ nước ngoài.
ECLAC: Kinh tế Argentina có thể tăng trưởng âm trong năm 2014 ảnh 1Bà Alicia Barcena. (Nguồn: emol.com)

Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean của Liên hợp quốc (ECLAC), Alicia Barcena, ngày 5/8 dự báo kinh tế Argentina có thể sẽ tăng trưởng âm trong năm nay, do việc Argentina rơi vào tình cảnh bị coi là vỡ nợ vừa qua sẽ khiến cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực này tiếp tục đứng ngoài các thị trường nợ nước ngoài.

ECLAC hồi tháng Bảy đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Argentina năm 2014 từ 1% xuống 0,2%. Song, người đứng đầu ECLAC cho rằng dự báo trên hiện đã lỗi thời vì nó được đưa ra trước khi cuộc đàm phán giữa Argentina và các trái chủ thất bại, khiến nước này lâm vào cuộc khủng nợ hiện nay.

Tuy nhiên, tính chất của cuộc khủng hoảng nợ lần này của Argentina khác với vụ vỡ nợ hồi năm 2001. Vào thời điểm đó, Argentina bị vỡ nợ do không có khả năng thanh toán khoản nợ 100 tỷ USD.

Lần này, nền tảng kinh tế của Argentina vững hơn và số tiền 539 triệu USD mà Argentina cần phải có để trả cho số 72,4% chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu nợ năm 2005 và 2010 trước thời hạn chót 30/7 đã nằm trong tài khoản của ngân hàng Bank of New York Mellon.

Nói cách khác, Argentina đã trả trước khoản nợ này.

Chính phủ Argentina đã cáo buộc Mỹ tạo ra một cuộc chiến pháp lý khiến cho Argentina không thể thanh toán được khoản nợ 539 triệu USD đúng hạn, đồng thời bác bỏ thông tin nói nước này vỡ nợ.

Argentina rơi vào tình cảnh nói trên sau khi cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa Bộ trưởng Kinh tế Argentina, Axel Kicillof, và hai quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ NML Capital và Aurelius Capital Management với sự tham gia của luật sư Dan Pollack - trung gian đối thoại giữa Argentina và các chủ nợ Mỹ do Tòa án Mỹ chỉ định - kết thúc mà không đạt được một thỏa hiệp nào về khoản nợ 1,3 tỷ USD, đồng nghĩa với việc không thể thuyết phục Tòa án liên bang Mỹ tại New York bỏ lệnh phong tỏa số tiền 539 triệu USD.

Bà Barcena nói rằng quyết định của Tòa án Mỹ sẽ tạo tiền lệ xấu cho cấu trúc tài chính quốc tế và ảnh hưởng bất lợi tới các cuộc đàm phán nợ quốc gia trong tương lai. Bà cũng tránh dùng cụm từ "vỡ nợ" để gọi tình hình nợ hiện nay của Argentina.

Ngày 4/8, nhiều ngân hàng quốc tế, trong đó có J.P Morgan, Citibank, HSBC và Deutschebank, đã thương thảo việc mua một số trái phiếu của Argentina hiện nằm trong tay của các quỹ đầu tư Mỹ, nhằm chấm dứt cuộc chiến pháp lý đã đẩy Argentina vào cảnh khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, Chính phủ Argentina không tham gia vào các cuộc thương thảo này do các lý do về pháp lý.

Argentina cho biết họ sẽ đề nghị Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ điều tra hai quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management liên quan đến khoản nợ 1,3 tỷ USD nói trên.

Chánh Văn phòng Tổng thống Argentina, Jorge Capitanich, cáo buộc hai quỹ này sử dụng thông tin mật để thao túng thị trường và tạo sự nhiễu loạn để những kiếm những khoản lợi nhuận trên trời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục