Giá dầu Brent và WTI giảm tương ứng 1,5% và 1% trong tuần qua

Giá dầu Brent tăng lên 102,78 USD/thùng, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng lên 98,26 USD/thùng trong phiên cuối tuần nhưng giảm tuần thứ hai liên tiếp khi một số nước giải phóng kho dự trữ chiến lược.
Giá dầu Brent và WTI giảm tương ứng 1,5% và 1% trong tuần qua ảnh 1Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giá dầu kỳ hạn chốt phiên cuối tuần tăng 2% nhưng giảm tuần thứ hai liên tiếp khi một số nước cùng với Mỹ giải phóng kho dự trữ chiến lược.

Giá dầu Brent tăng 2,2 USD, hay 2,19%, lên 102,78 USD/thùng trong phiên cuối tuần. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,23 USD, lên 98,26 USD/thùng.

Giá dầu giảm trong phiên 7/4, sau khi các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ phối hợp giải phóng một lượng dầu lớn từ kho dự trữ và lo ngại nhu cầu giảm khi Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải. Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 49 xu Mỹ (0,5%) xuống 100,58 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 20 xu Mỹ (0,6%) xuống 96,03 USD/thùng.

Trong phiên 6/4, giá dầu giảm mạnh sau khi các nước tiêu thụ dầu lớn cho biết sẽ giải phóng dầu từ các kho dự trữ để ứng phó với tình trạng nguồn cung thắt chặt và đồng USD mạnh lên khi biên bản cuộc họp tháng Ba cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ủng hộ việc tăng lãi suất. Cả dầu Brent và giá dầu WTI đều đóng phiên ở mức giá thấp nhất kể từ ngày 16/3.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent giảm 5,57 USD, hay 5,2%, xuống 101,07 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 5,73 USD, hay 5,6%, xuống 96,23 USD/thùng.

Giá dầu giảm trong phiên 5/4 do sức ép từ đồng USD mạnh lên và những lo ngại ngày càng tăng về số ca mắc COVID-19 mới có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, đà giảm của dầu đã bị hạn chế bởi lo ngại về tình hình nguồn cung.

Khép phiên này, giá dầu Brent giảm 89 xu Mỹ (0,8%) xuống 106,64 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 1,32 USD (1,3%) xuống 101,96 USD/thùng.

Giá dầu tăng hơn 3% vào phiên 4/4, khi giới đầu tư lo lắng về nguồn cung thắt chặt hơn trước những diễn biến mới liên quan tới khủng hoảng Ukraine gia tăng áp lực lên các nước châu Âu trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.

Phiên này, giá dầu Brent tăng 3,14 USD (tương đương 3%) lên 107,53 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 4,01 USD (4%) lên 103,28 USD/thùng.

Trong cả tuần, giá dầu Brent giảm 1,5%, trong khi giá dầu WTI giảm 1%.

[Lo ngại nhu cầu yếu đi, giá dầu thế giới giảm trong phiên 7/4]

Trong những tuần gần đây, giá hai loại dầu biến động mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.

Giá dầu thô biến động kể từ sau khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào giữa tháng Hai, với giá dầu WTI giao dịch ở mức cao kỷ lục trong gần 14 năm là 130 USD/thùng vào đầu tháng Ba, trong khi giá dầu Brent ở gần mức 140 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu WTI chốt phiên 23/2, một ngày trước khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, ở mức 92,1 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao dịch ở mức 94,05 USD/thùng.

Các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược trong 6 tháng tới. Cam kết này là một phần trong tuyến bố giải phóng 180 triệu thùng dầu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trước đó.

Nhà phân tích Phil Flynn tại công ty dịch vụ môi giới và quản lý tài sản Price Futures Group (Mỹ) cho biết có lo ngại việc hạ giá dầu sẽ làm tăng nhu cầu, từ đó khiến lượng dầu được giải phóng sẽ nhanh chóng được tiêu thụ.

Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu kinh tế, tài chính và thị trường hàng hóa ANZ Research (Australia) cho rằng việc giải phóng dầu từ kho dự trữ cũng làm chậm quyết định của các nhà sản xuất như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ trong việc tăng sản lượng.

Theo nhà phân tích Stephen Brennock tại công ty dịch vụ dầu khí PVM (Vương quốc Anh), vẫn có những nghi ngại liệu nguồn cung dầu từ việc giải phóng kho dự trữ có bù đắp được sự sụt giảm nguồn cung từ Nga hay không.

JPMorgan cho rằng việc giải phóng kho dự trữ trong ngắn hạn sẽ bù vào nguồn cung 1 triệu thùng dầu/ngày từ Nga dự kiến sẽ vẫn bị cắt lâu dài. Tuy nhiên, từ năm 2023 và sau đó, các nhà sản xuất trên toàn cầu có thể cần tăng cường đầu tư để bù vào sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và khôi phục dự trữ chiến lược của IEA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục