Giá dầu châu Á tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch chiều 10/5

Phiên này, giá dầu Brent giảm 1,19 USD (tương đương 1,1%) xuống 104,75 USD/thùng lúc 13 giờ 7 phút (giờ Việt Nam) sau khi đã có lúc giảm xuống mức thấp trong phiên là 103,19 USD/thùng.
Giá dầu châu Á tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch chiều 10/5 ảnh 1Giá xăng dầu được niêm yết tại một trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Giá dầu châu Á giảm hơn 1% vào chiều 10/5, kéo dài chuỗi giảm từ phiên trước khi một loạt yếu tố bất lợi đã gây thêm lo lắng về triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Phiên này, giá dầu Brent giảm 1,19 USD (tương đương 1,1%) xuống 104,75 USD/thùng lúc 13 giờ 7 phút (giờ Việt Nam) sau khi đã có lúc giảm xuống mức thấp trong phiên là 103,19 USD/thùng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) mất 1,07 USD (1%) xuống 102,02 USD/thùng. Hồi đầu phiên, loại dầu này đã rơi xuống mức thấp nhất trong phiên là 100,44 USD/thùng.

Việc đồng USD gần mức cao nhất trong 20 năm cũng khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những nhà giao dịch nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Trước đó trong phiên 9/5, cả hai loại dầu tiêu chuẩn trên đều ghi nhận mức giảm trong ngày tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ tháng Ba khi lần lượt để mất 5% và 6%.

Sự sụt giảm phản ánh xu hướng trên thị trường tài chính toàn cầu, khi giới đầu tư chạy  khỏi các tài sản rủi ro. Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ngân hàng ING, cho biết một loạt yếu tố gồm tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng lớn không hỗ trợ cho các tài sản rủi ro.

Giá dầu đã nhận được lực đẩy vào tuần trước sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất một lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga. Tuy nhiên, việc thông qua lệnh cấm vận này đã bị trì hoãn trong bối cảnh các thành viên Đông Âu yêu cầu được miễn trừ và có những nhượng bộ.

[Giá dầu châu Á chiều 9/5 giảm do lo ngại nhu cầu từ Trung Quốc]

Các nguồn tin thân cận cho hay EC đang soạn thảo một phiên bản mới cho lệnh cấm vận. Nhiều khả năng phiên bản này sẽ bỏ lệnh cấm đối với các tàu châu Âu vận chở dầu của Nga, sau áp lực từ Hy Lạp, Cyprus và Malta.

Thị trường tài chính cũng lo ngại rằng một số nền kinh tế châu Âu có thể gặp khó khăn nếu nguồn dầu nhập khẩu từ Nga bị giảm sâu hơn, hoặc nếu Nga trả đũa bằng cách cắt nguồn cung khí đốt cho khu vực này.

Reuters đưa tin các quan chức Đức đang âm thầm chuẩn bị cho kịch bản Nga ngừng cung cấp khí đốt đột ngột. Một gói biện pháp khẩn cấp có thể bao gồm lệnh kiểm soát các công ty quan trọng của nước này.

Giới chuyên gia kinh tế cấp cao cho biết, việc ngừng nguồn cung khí đốt của Nga cho Đức sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế sâu sắc và làm mất đi nửa triệu việc làm tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục