Giải pháp logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam-EU

Theo Cục trưởng Xúc tiến thương mại, EU là đối tác quan trọng của Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác thương mại; quan hệ thương mại Việt Nam-EU phát triển nhanh chóng, hiệu quả.
Giải pháp logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam-EU ảnh 1Bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Để hoạt động trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) hiệu quả hơn, việc tối ưu hóa chất lượng, hình thức thực hiện các dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam-EU trong điều kiện kinh tế mới dưới tác động của dịch COVID-19 và tiến tới hậu COVID-19 là một trong những giải pháp cấp thiết.

Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn giao thương trực tuyến logistics Việt Nam-EU 2020 do Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại các nước EU, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC) đồng tổ chức ngày 9/12 theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết EU là đối tác quan trọng của Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác thương mại. Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam-EU phát triển nhanh chóng và hiệu quả.

Tính đến hết tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU dù giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn đạt mức cao với 33,23 tỷ USD, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 12,42 tỷ USD.

Theo ông Vũ Bá Phú, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 đang tạo ra cú huých lớn cho phát triển thương mại Việt Nam-EU, kéo theo những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực logistics.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thương mại hai chiều Việt Nam-EU đang đứng trước nhiều thách thức; trong đó có những khó khăn từ một số hoạt động logistics không diễn ra như thông lệ.

[Công bố Top 10 công ty uy tín ngành logistics Việt Nam năm 2020]

Đơn cử như thời gian qua, một số dịch vụ logistics cho hàng hóa lưu chuyển giữa Việt Nam và EU trở nên đắt đỏ và khan hiếm, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng thêm một số yêu cầu, điều kiện mới do các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, quy trình kiểm soát hàng hóa quốc tế của EU thay đổi.

Để hoạt động trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-EU đạt hiệu quả thiết thực, ông Vũ Bá Phú cho rằng việc tối ưu hóa chất lượng, hình thức thực hiện các dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam-EU trong điều kiện kinh tế mới dưới tác động của dịch COVID-19 và tiến tới hậu COVID-19 là một trong những giải pháp cấp thiết.

Đồng thời, doanh nghiệp logistics Việt Nam và EU cần trao đổi định hướng và cơ hội hợp tác, liên kết cùng tận dụng và phát huy những nguồn lực của nhau để tối ưu hóa dịch vụ logistics, phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên.

Về phía Bộ Công Thương, các đơn vị chức năng đang tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, tăng tính kết nối của phương tiện vận tải, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng số hóa những quy trình hoạt động.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ logistics đang trở thành một ngành kinh tế thu hút sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 mở ra một giai đoạn mới cho phát triển logistics ở Việt Nam với những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường cũng như nâng cao nguồn lực con người phục vụ lĩnh vực này.

Bên cạnh những thuận lợi, thực tế cho thấy còn đó những khó khăn trong hợp tác logistics giữa Việt Nam với các nước EU. Do đó, ông Trần Thanh Hải gợi ý các doanh nghiệp EU có thể tham gia đầu tư vào hạ tầng logistics ở Việt Nam cũng như tham gia triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ trong logistics, đẩy mạnh đào tạo nhân lực logistics, hợp tác trong những lĩnh vực mới như logistics đô thị, logistics tuần hoàn, logistics xanh.

Giải pháp logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam-EU ảnh 2Siêu tàu chở container Margrethe Maersk chuẩn bị cập cảng quốc tế Cái Mép, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Ngọc Sơn/TTXVN)

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký VLA cũng chỉ ra những thách thức của các doanh nghiệp logistics Việt Nam như hạn chế về chất lượng dịch vụ, kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực. Những khó khăn chính trong chuyển đổi kỹ thuật số đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hiện nay gồm: tình hình tài chính, nguồn nhân lực và lựa chọn công nghệ phù hợp.

Chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội hợp tác với những dịch vụ logistics ưu việt của Hà Lan, ông Sjaak de Klein, Trưởng nhóm cấp cao về Giải pháp chuỗi cung ứng châu Á, Hội đồng Phân phối Quốc tế Hà Lan (HIDC) cho biết cảng Rotterdam của nước này là cảng lớn nhất châu Âu, mở rộng đến hơn 200 cảng biển nước sâu, đặc biệt cảng này tối ưu hóa chuỗi cung ứng thông qua số hóa. Bên cạnh đó, sân bay Amsterdam Schiphol là sân bay kết nối tốt thứ hai trên thế giới…

Ông Sjaak de Klein cũng cam kết HIDC sẵn sàng tư vấn về chuỗi cung ứng châu Âu (thiết kế hậu cần, cấu trúc tài chính…) cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Ở góc độ khác, ông Gilbert Canameras, Chủ tịch Francorisk, chuyên gia tư vấn ngoại thương Pháp chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam về thực hành quản lý rủi ro logistics khi hợp tác với các doanh nghiệp EU.

Theo ông Gilbert Canameras, việc đánh giá, xử lý rủi ro là yêu cầu hàng đầu đối với bất cứ doanh nghiệp nào bởi khi doanh nghiệp tham gia vào thế giới thay đổi liên tục, các rủi ro sẽ càng ngày càng tăng cao. Do đó,  các doanh nghiệp cần trang bị hệ thống dự báo rủi ro để giảm thiểu các rủi ro. Với từng rủi ro như rủi ro từ yếu tố nội tại (hỏng máy móc, con người) hay yếu tố khách quan (chính trị…), doanh nghiệp phải xác định rủi ro nào có thể chấp nhận và rủi ro nào không thể chấp nhận để đưa ra những biện pháp phù hợp.

Sau phiên toàn thể của Diễn đàn, các doanh nghiệp đã gặp gỡ, trao đổi trực tuyến tại các phiên giao thương diễn ra đồng thời tại 6 phòng giao dịch, giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ logistics và chia sẻ các nhu cầu, cơ hội cũng như kinh nghiệm hợp tác và phát triển trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục