Giáo sư Việt đánh giá cao chiến lược phát triển sau Đại hội XIII

Giáo sư Trần Ngọc Anh đánh giá kỳ Đại hội Đảng lần này đã đưa ra một chiến lược toàn diện để nhanh chóng đưa Việt Nam lên hàng các nước phát triển trong vòng 25 năm tới.
Giáo sư Việt đánh giá cao chiến lược phát triển sau Đại hội XIII ảnh 1Giáo sư Trần Ngọc Anh. (Ảnh: Vietnam Initiative)

Nhận định về những vấn đề lớn được đưa ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc, Chủ tịch Chương trình Sáng kiến Việt Nam, Giáo sư Trần Ngọc Anh tại Đại học Indiana (Mỹ) đánh giá đại hội lần này đã đưa ra một chiến lược toàn diện để nhanh chóng đưa Việt Nam lên hàng các nước phát triển trong vòng 25 năm tới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York ngày 1/2, ông Trần Ngọc Anh khẳng định chìa khóa để thực thi chiến lược chính là cơ chế chịu trách nhiệm, có nghĩa là một người bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của bộ mình, người đứng đầu một tỉnh phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ ở tỉnh mình, có như vậy cả nước mới thực hiện được chiến lược đã đưa ra. Muốn làm được như vậy thì phải có thước đo kết quả của từng bộ, từng tỉnh một cách khách quan và công khai. 

Là chuyên gia có bề dày nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị ở các nước đang phát triển, đặc biệt châu Á, Giáo sư Trần Ngọc Anh đánh giá trong 5 năm vừa qua, Việt Nam đã làm được 3 việc lớn. Thứ nhất là giữ được ổn định vĩ mô, ổn định chính trị, điều mà giới đầu tư đặc biệt quan tâm; thứ hai là ký kết được nhiều hiệp định tự do thương mại, từ đó thu hút được đầu tư, tạo ra xuất khẩu, tăng trưởng và việc làm; thứ ba là có được tinh thần cổ vũ doanh nghiệp mạnh mẽ.

[Chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài đánh giá cao kết quả Đại hội XIII]

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra 3 thách thức lớn Việt Nam phải nỗ lực giải quyết trong những năm tiếp theo. Thứ nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Các nhà đầu tư sang Việt Nam nhận thấy người Việt rất khéo léo, có thể làm lắp ráp được nhưng chưa sẵn sàng quản lý được công nghệ và đây là một cản trở lớn.

Thách thức lớn thứ hai là những cản trở về thể chế với các quy định chồng chéo. Thách thức thứ ba là về môi trường, ví dụ như tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc, bão lũ ở miền Trung và hạn hán ở miền Nam. Đây là những bài toán lớn cần có giải pháp đột phá trong giai đoạn sắp tới.

Theo ông Trần Ngọc Anh, Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn bởi mặc dù cả thế giới đang ở trong "một đường hầm đen tối" vì tình hình dịch bệnh và vì suy thoái kinh tế nhưng cũng đang le lói nhìn thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm" vì đang có các loại vắcxin phòng COVID-19.

Tại Mỹ cũng như ở các thị trường lớn khác trên thế giới, vào khoảng mùa Hè tới hoặc muộn nhất là vào mùa Thu, hầu hết người dân sẽ được tiêm vắcxin. Điều đó sẽ giúp các hoạt động về tiêu dùng, thương mại, đầu tư trở lại bình thường và Việt Nam có cơ hội để tiến vào những thị trường lớn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục