Giới chuyên gia Nga đánh giá cao vị thế của Việt Nam

Giới chuyên gia Nga đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Nga trước thềm chuyến thăm Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Giới chuyên gia Nga đánh giá cao vị thế của Việt Nam ảnh 1Ông Alexay Maslov - Hiệu trưởng Trường nghiên cứu phương Đông, Trường kinh tế cao cấp Liên bang Nga trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Cao Cường/Vietnam+)

Trước thềm chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (24-26/11/2014), phóng viên Vietnam+ tại Liên bang Nga đã có cuộc trao đổi với các ông Alexay Maslov - Hiệu trưởng Trường nghiên cứu phương Đông, Trường kinh tế cao cấp Liên bang Nga và ông Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga về ý nghĩa chuyến thăm và quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga.

- Thưa ông Alexay Maslov, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam thời gian gần đây?

Ông Alexay Maslov: Tôi cho rằng thời gian qua Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn về phát triển kinh tế. Việt Nam đã áp dụng khá thành công mô hình phát triển riêng của mình, đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan và trở thành một trong những quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trong khối ASEAN, nhiều quốc gia láng giềng như Malaisia, Indonesia, cũng là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao đang chăm chú theo dõi sự phát triển của Việt Nam.

Theo tôi, Việt Nam đã tiến hành tự do hóa nhiều thể chế kinh tế. Tuy nhiên, tự do hóa kinh tế là một quá trình hết sức nhạy cảm nên không thể tiến hành ngay lập tức, mà cần có lộ trình để các khu vực nhạy cảm như kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thời gian thích ứng với những đổi thay này.

Ở đây tôi thấy Việt Nam đã có những bước đi vững chãi và cẩn trọng, vì như tôi hiểu thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi. Thông thường quá trình này thường kéo dài và liên quan không chỉ đến tự do hóa các thể chế kinh tế, mà còn đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý cũng như để người dân làm quen.

Tôi tin rằng cùng với việc cải cách hệ thống pháp luật kinh tế, tự do hóa và sự điều hành hiệu quả từ trung ương sẽ đem lại cú huých cho nền kinh tế Việt Nam. Tôi được biết Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và là một trong những quốc gia có lượng thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất Đông Nam Á và châu Á.

Điều này nói lên không chỉ sự hấp dẫn môi trường đầu tư, mà còn cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang ổn định, tạo được niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài. Điều quan trọng nhất đối với một nhà đầu tư là họ phải thấy được sự ổn định của nền kinh tế nhiều năm về phía trước. Bên cạnh đó, việc Việt Nam có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào trên thềm lục địa cũng là một nhân tố khiến nhiều nước quan tâm.

- Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga thời gian qua? Những lĩnh vực nào đầu tư có hiệu quả nhất?

Ông Alexay Maslov: Tôi cho rằng thời gian gần đây Việt Nam và Liên bang Nga đã có bước xích lại gần nhau rõ nét. Chúng ta có Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.

Mới đây chúng tôi cũng vừa thành lập một tiểu ban do Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng kinh tế đứng đầu để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực này. Đây là bước đi quan trọng bởi chúng ta rất cần đánh giá những lĩnh vực nào đầu tư có hiệu quả đối với cả Nga và Việt Nam.

Mặc dù đầu năm nay hợp tác kinh tế giữa hai nước có chậm lại, song kết quả cả năm vẫn có chiều hướng tăng. Ở đây chúng ta có rất nhiều lĩnh vực có thể phối hợp. Nga là một trong 20 quốc gia có đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng cả chính phủ và giới doanh nghiệp Nga đều chưa chú trọng đúng mức hợp tác với Việt Nam. Nếu làm tốt vấn đề này, Nga có thể trở thành một trong 10 quốc gia đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế các bạn.

Nga quan tâm trước hết đến việc thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Trong lĩnh vực này Nga có công nghệ, máy móc và kinh nghiệm để hợp tác hiệu quả. Thứ hai là hợp tác thành lập Đại học liên doanh Việt-Nga. Tôi cho rằng dự án này là rất đúng đắn và kịp thời nhằm đào tạo ra nguồn lực phục vụ cho việc hợp tác giữa hai nước sau 10-15 năm nữa.

Hơn nữa, ngoài hợp tác kinh tế, chúng ta còn có quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau. Hợp tác giáo dục đào tạo cũng là một hình thức củng cố mối quan hệ này.

Tôi được biết trong năm nay và năm tới Nga sẽ tăng mạnh học bổng cho sinh viên Việt Nam và Trường kinh tế cao cấp của chúng tôi cũng sẽ có chuyên ngành đào tạo sinh viên bằng tiếng Việt.

Nga cũng quan tâm đến việc thành lập các liên doanh sản xuất hàng may mặc, giày da... vì hàng hóa của các bạn có sức tiêu thụ rất tốt trên thị trường Nga và các nước láng giềng. Việt Nam cũng có thể tham gia đầu tư vào khu kinh tế trọng điểm của Nga ở khu vực Viễn Đông nhằm sản xuất hàng hóa để xuất khẩu cả sang nước thứ ba.

Tại các cuộc đàm phán sắp tới, tôi cho rằng hai bên sẽ đề cập vấn đề thành lập khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Âu-Á. Đây là bước đi rất đúng đắn nhằm gỡ bỏ các rào cản hải quan và hành chính làm cản trở hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các bên.

Bên cạnh đó, nếu tính tới các nhân tố bất ổn xảy ra ở châu Á, xung quanh biển Đông và biển Hoa Nam thời gian gần đây, Việt Nam và Nga cũng cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh nhằm cùng với cộng đồng quốc tế kiến tạo một môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển.

- Từ 24-26/11 tới, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm Nga theo lời mời của Tổng thống Putin. Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm này?


Ông Alexay Maslov:
Tôi cho rằng đây là chuyến thăm rất quan trọng để lãnh đạo cấp cao nhất của hai nhà nước xác định hướng đi cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Nga. Đối với Nga vấn đề này có tính thời sự vì Nga vừa tuyên bố quay trở lại mạnh mẽ về hướng châu Á, và chúng tôi cần sự đa dạng hóa các đối tác.

Thời gian qua Nga đẩy mạnh hợp tác với châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng, trong đó Việt Nam là đối tác quan trọng về chính trị-chiến lược và kinh tế ở trong khối ASEAN. Việt Nam là hình mẫu hợp tác để Nga cho thế giới thấy chúng tôi có đa dạng các mối quan hệ và không phụ thuộc vào một đối tác cụ thể nào.

Tôi hy vọng trong chuyến thăm lần này hai bên sẽ thảo luận các vấn đề hợp tác chiến lược, củng cố mối quan hệ và sự tiếp xúc chính trị chặt chẽ hơn nữa ở cấp cao.

Như các bạn đã biết, Nga hiện đang bị rơi vào thế cô lập trên trường quốc tế, vì vậy chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một hình thức ủng hộ Nga về mặt chính trị. Tôi nghĩ Nga sẵn sàng đề nghị Việt Nam rất nhiều dự án về đầu tư, công nghệ, viễn thông và xây dựng hạ tầng.

- Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh vừa qua, Tổng thống Putin tuyên bố hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên chiến lược của Nga trong những năm tới. Theo ông, Việt Nam có vị trí như thế nào trong chính sách này?

Ông Alexay Maslov: Đúng là Nga hiện đang hướng rất mạnh về châu Á-Thái Bình Dương và tôi được biết có một số đối tác muốn Nga chỉ hợp tác theo kiểu độc quyền với họ nhằm tranh thủ thu lợi từ các tiềm năng của Nga. Tuy nhiên Nga sẽ không thể hành xử như vậy, mà cần có sự đa dạng các đối tác.

Việt Nam được xác định là một trong những đối tác quan trọng về phương diện chính trị và kinh tế. Mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta không chỉ lâu bền theo chiều dài lịch sử, mà còn rất hiệu quả.

Việt Nam hiện là thủ lĩnh ở ASEAN, trong khi quan hệ của Nga với khối liên kết đầy tiềm năng này còn khá hạn chế. Vì vậy chúng tôi kỳ vọng thông qua Việt Nam thiết lập được quan hệ chặt chẽ với tất cả các đối tác trong ASEAN nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế cũng như thảo luận các vấn đề đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực.

- Và thưa ông Vladimir Mazyrin, từ 24-26/11 tới, liên quan chuyến thăm Nga của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng thống Putin, ông đánh giá thế nào về chuyến thăm này?

Ông Vladimir Mazyrin: Theo tôi, những chuyến thăm cấp cao như thế này có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ hai nước. Quan hệ Việt-Nga hiện là đối tác chiến lược toàn diện và thông thường mối quan hệ này đòi hỏi hàng năm hai bên phải có tiếp xúc ở cấp cao để phù hợp với tính chất chiến lược trong hợp tác.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa Việt Nam và Liên bang Nga được tổ chức thường niên. Năm ngoái Tổng thống chúng tôi có chuyến thăm các bạn và năm nay người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam có chuyến thăm Nga.

Theo tôi, nét đặc thù riêng có của quan hệ Việt-Nga so với các mối quan hệ khác là tính chất tin cậy đặc biệt và sự phối hợp hiệu quả trong các lĩnh vực.

Bên cạnh đó trong 2 năm vừa qua trên trường quốc tế và khu vực diễn ra rất nhiều đổi thay quan trọng, đòi hỏi hai bên phải có cuộc gặp cấp cao để thảo luận những vấn đề này. Theo tôi tại các cuộc hội đàm sắp tới, hai bên có thể nêu vấn đề sự phối hợp hành động của tam giác chiến lược Việt-Nga-Trung trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở châu Á.

Chúng tôi cũng chờ đợi tuyên bố của hai bên về việc thành lập Khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Âu-Á và chương trình hợp tác cụ thể trong những năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục