Giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ

Thị trường Hoa Kỳ rộng lớn và nhiều tiềm năng nhưng vô cùng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao năng lực, chủ động hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng...
Giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ ảnh 1Sơ chế thanh long xuất khẩu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật các thông tin, cơ chế chính sách mới và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Mỹ, ngày 27/7 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo với chủ đề “Xúc tiến thương mại sang thị trường Mỹ.”

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết trong hơn 10 năm qua, Mỹ luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 41,6 tỷ USD, chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài.

Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản thì những sản phẩm mới như hàng điện tử, sắt thép, thực phẩm chế biến cũng tìm được chỗ đứng tại thị trường này.

Theo ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Mỹ (BTA) có hiệu lực, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng cao. Cụ thể là tăng tới 47 lần, từ 220 triệu USD (năm 1994) lên khoảng 50,8 tỷ USD (cuối năm 2017).

[Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam]

Việt Nam hiện là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa, đồng thời, là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ. Thặng dư cao trong trao đổi thương mại với Mỹ của Việt Nam đạt trên 32,4 tỷ USD năm 2017.

Kim ngạch xuất khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất sang Mỹ trong năm 2017 đạt xấp xỉ 34 tỷ USD, chiếm trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, dẫn đầu tiếp tục là hàng dệt may 12,28 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,51% tổng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang mỹ lớn nhất, tiếp theo là giày dép 5,11 tỷ USD, điện thoại và linh kiện 3,7 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gỗ và các sản phẩm gỗ 3,26 tỷ USD.

Ông Đào Trần Nhân, Nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết thị trường Mỹ rộng lớn và nhiều tiềm năng nhưng vô cùng khắt khe. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao năng lực, chủ động hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng...

Ông Nhân lưu ý khi làm việc với đối tác Mỹ, nhất là khi thanh toán điện tử, nếu đối tác đề nghị thay đổi ngân hàng thanh toán thì cần dừng liên hệ qua mail và nên gọi điện thoại để hỏi nguyên do tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Hiện Việt Nam có năm loại hoa quả tươi gồm thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Còn trái xoài đang được Mỹ xem xét. Riêng vú sữa là loại quả đặc biệt được chính Đại sứ quán Mỹ đề xuất xuất khẩu sang nước này.

Khi các ngành thực phẩm đồ uống xuất khẩu vào Mỹ cần quan tâm đến Luật hiện đại hóa về an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA). Theo đó, doanh nghiệp phải đăng ký mới cơ sở sản xuất kinh doanh để lấy mã số mới hợp lệ và vào năm chẵn thì bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký lại cho năm sau. Thời gian đăng ký lại từ 1/10 đến 31/12 hằng năm, nếu doanh nghiệp không đăng ký lại giấy phép khi sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ sẽ không còn giá trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục