Góp ý mẫu tàu Cát Linh-Hà Đông: Khen, chê mang nặng cảm tính

Các ý kiến góp ý người dân phần nhiều là khen hoặc chê một cách cảm tính mà không nêu lý do cụ thể, không kiến nghị chỉnh sửa cụ thể về màu sắc, hình dáng tàu mẫu Cát Linh-Hà Đông.
Góp ý mẫu tàu Cát Linh-Hà Đông: Khen, chê mang nặng cảm tính ảnh 1Mẫu tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được trưng bày lấy ý kiến của người dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau khi kết thúc một tháng trưng bày mẫu tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tại Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội (từ 29/10 đến 30/11/2015), các ý kiến góp ý phần nhiều là khen hoặc chê một cách cảm tính mà không nêu lý do cụ thể, không kiến nghị chỉnh sửa cụ thể về màu sắc, hình dáng tàu mẫu.

Tuy nhiên, Ban quản lý dự án Đường sắt kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thành lập Hội đồng đánh giá ý kiến đóng góp để xem xét, quyết định các nội dung tiếp thu, chỉnh sửa.

Theo thống kê của Ban quản lý dự án Đường sắt, trong một tháng trưng bày, đơn vị này đã nhập được hơn 1.900 phiếu đóng góp ý kiến. Trong đó, góp ý về nội thất chiếm gần 35%, góp ý về ngoại thất hơn 22%…

“Các ý kiến góp ý phần nhiều là khen hoặc chê một cách cảm tính mà không nêu lý do cụ thể, không kiến nghị chỉnh sửa cụ thể. Các ý kiến kiến nghị chỉnh sửa cũng không tập trung; ý kiến về màu sắc cũng khá phân tán, không cụ thể vào một màu nào. Như vậy, không có cơ sở để xác định màu nào có ưu điểm hơn, được nhiều người ưa thích hơn để đề xuất thay đổi. Ngoài ra, vấn đề màu sắc phụ thuộc rất lớn vào quan điểm cá nhân, thường không có chuẩn mực chung để xác định,” ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt cho hay.

Về hình dáng của đầu tàu mẫu, phần lớn ý kiến đều cho rằng nên thiết kế đầu tàu vát hơn nữa, giống đầu cá mập để tăng tính khí động học.

Góp ý mẫu tàu Cát Linh-Hà Đông: Khen, chê mang nặng cảm tính ảnh 2Nhiều ý kiến về chỉnh sửa đầu tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo giải thích của Ban quản lý dự án Đường sắt, đây là phương tiện vận tải công cộng nội đô, ưu tiên vận chuyển được nhiều hành khách, tốc độ chạy trung bình không cao (35km/h). Do vậy, việc tiết kiệm không gian tối đa để chứa được nhiều hành khách được ưu tiên cao nhất, cabin lái tàu được thiết kế một cách tối ưu, chiếm ít diện tích nhất và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

“Đầu tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được lựa chọn trên các phương án nhằm mang hình dáng khí động học để có dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn đủ tiện ích, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. So với đầu tàu các tuyến đường sắt đô thị phổ biến khác trên thế giới, đầu tàu được lựa chọn có độ vát hơn rất nhiều. Nếu làm vát hơn nữa sẽ không đảm bảo tối ưu, gây cản trở tầm nhìn của lái tàu và vướng cửa thoát hiểm,” lãnh đạo Ban quản lý dự án Đường sắt phân tích.

Trên cơ sở kết quả trưng bày tàu mẫu và phân tích các ý kiến đóng góp của nhân dân, Ban quản lý dự án đường sắt kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thành lập Hội đồng sẽ đánh giá ý kiến đóng góp, xem xét các nội dụng có nhiều ý kiến để quyết định điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân.

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án Đường sắt kiến nghị một số nội dung như màu sắc của tàu, có thể xem xét thêm lựa chọn màu xanh dương như kiến nghị trước đây của Ban; không thay đổi hình dáng đầu tàu; bổ sung thêm tay nắm; điều chỉnh bản đồ LED; sử dụng giọng đọc nữ cho mềm mại khi phát thanh trên tàu…

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ tiến hành mua sắm 13 đoàn tàu (52 toa xe) chuẩn B1 với cấu thành 4 toa xe/1 đoàn tàu. Chiều dài đoàn tàu 79m. Chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3,8m. Độ rộng lớn nhất toa tàu 2,8m. Tốc độ đoàn tàu tối đa 80km/giờ. Tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/giờ. Năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng.

Đối với thiết kế ngoại thất, phần đầu tàu lựa chọn hình dạng đầu tàu vát, gần với hình dạng khí động học, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao; đoàn tàu sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ, sạch sẽ mà không quá bóng bẩy. Màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây tươi sáng tạo cảm giác trẻ trung, năng động nhưng thân thiện với thiên nhiên, môi trường, thể hiện xu hướng hài hòa với thiên nhiên.

Đối với thiết kế nội thất, kết cấu tay vịn, cột lựa chọn phương án bố trí hai hàng cột cong về phía giữa toa tàu, người đi tàu thuận tiện hơn khi ngồi nắm tay vào cột; ghế ngồi dử dụng vật liệu Composite có độ bền chắc cao, tạo cảm giác ngồi thuận lợi cho hành khách, đặc biệt tránh được cảm giác lạnh khi ngồi vào mùa đông./.

Nhà cung cấp đoàn tàu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh, Trung Quốc là đơn vị trúng thầu chế tạo và sản xuất đoàn tàu. Tới năm 2014, Công ty này đã sản xuất 2.349 toa xe cho đường sắt đô thị và là một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ đường sắt.

Ngoài ra, Công ty này đã sản xuất và cung cấp toa xe chuẩn B (đoàn tàu dự án Cát Linh-Hà Đông cũng theo chuẩn B) cho các tuyến đường sắt đô thị tại Bắc Kinh như tuyến Bát Thông chiều dài 19km với 13 nhà ga; tuyến Metro Bắc Kinh số 1, 2, 13 để phục vụ Olympic Bắc Kinh năm 2008…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục