Hà Lan tiêu hủy 190.000 con gà do dịch cúm gia cầm tái bùng phát

Đầu tháng 11, Bộ Nông nghiệp Hà Lan đã phải ra lệnh tiêu hủy 200.000 con gà sau khi chủng cúm gia cầm độc lực cao được phát hiện tại một trang trại ở thị trấn Puiflijk, miền Đông nước này.
Gà nuôi tại một trang trại ở Winkel, Hà Lan ngày 29/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Gà nuôi tại một trang trại ở Winkel, Hà Lan ngày 29/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp Hà Lan ngày 22/11 thông báo cơ quan chức năng nước này đã tiêu hủy khoảng 190.000 con gà do dịch cúm gia cầm bùng phát tại hai trang trại ở nước này. 

Dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại một trang trại ở làng Hekendorp thuộc tỉnh Utrecht (Nam Hà Lan) và làng Witmarsum ở miền Bắc Hà Lan. Bộ Nông nghiệp Hà Lan cho rằng chủng virus cúm gia cầm tại hai địa phương này là H5.

Trong phạm vi bán kính 1km quanh hai trang trại nói trên không có trang trại chăn nuôi gia cầm nào. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành phun khử trùng tại hai trang trại này để phòng tránh dịch bệnh lây lan. 

Từ tháng 10, Hà Lan đã phát hiện một số trường hợp nhiễm cúm gia cầm tại một số nông trại, mà nguồn gốc lây nhiễm chủ yếu được cho từ chim di cư.

[Nhật Bản phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm cao]

Ngày 23/10, Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan Carola Schouten đã ban hành quy định phòng ngừa đối với tất cả các trang trại chăn nuôi gia cầm thương mại sau khi phát hiện 2 xác thiên nga nhiễm chủng cúm gia cầm H5N8.

Đầu tháng 11, Bộ Nông nghiệp Hà Lan đã phải ra lệnh tiêu hủy 200.000 con gà sau khi chủng cúm gia cầm độc lực cao được phát hiện tại một trang trại ở thị trấn Puiflijk, miền Đông nước này.

Hà Lan là nước xuất khẩu thịt gà và trứng lớn nhất châu Âu. Hiện có khoảng 10.000 lao động làm việc tại 2.000 trang trại chăn nuôi gia cầm trên cả nước. Dịch cúm gia cầm bùng phát năm 2003 đã khiến ngành chăn nuôi gia cầm tại Hà Lan thiệt hại đáng kể khi nước này buộc phải tiêu hủy 30 triệu gà, vịt và chim. 

Ngoài Hà Lan, dịch cúm gia cầm cũng đã xuất hiện tại nhiều nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Bỉ, Đan Mạch... Điều này càng gia tăng gánh nặng đối với chính phủ các nước châu Âu, vốn đang tập trung nỗ lực ứng phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh cúm gia cầm lây lan trong chim hoang dã và sau đó truyền sang các loài gia cầm. Mặc dù vậy, dịch bệnh này không có nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục