“Nếu chúng tôi không chiến thắng, thì không phải họ là những người sai trái mà chính việc đấu tranh của chúng tôi sẽ trở thành sai, vì thế, dù có bị cô lập, bị đe dọa đến tính mạng, chúng tôi quyết đấu tranh đến cùng. Tôi tin không có 'vùng cấm' trong chống tham nhũng và tin vào một xã hội thượng tôn pháp luật.”
Đó là những lời tâm sự của ông Nguyễn Công Uẩn (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và ông Nguyễn Tiến Lãng (xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Hai ông lão qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” đã biến nỗi sợ hãi thành sức mạnh chiến thắng công lý và trở thành tấm gương chống tham nhũng tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh.
Bài 1: Hành trình chống tham nhũng bị cô lập của hai ông lão 80 tuổi
Đều đã ở tuổi 80 nhưng hai ông lão Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Hai ông đều nhớ rõ những mốc thời gian phát hiện và đấu tranh với những sai phạm tại địa phương cũng như những khó khăn trong hành trình đầy gian nan này.
70 tuổi bắt đầu chống tham nhũng
Những năm 2004, 2005, người dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh rỉ tai nhau cùng làm hồ sơ thương binh giả để nhận hỗ trợ. Khi đó, ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn đã 70 tuổi. Một người bạn của ông Nguyễn Tiến Lãng cũng chỉ cho ông cách làm hồ sơ thương binh, giấy giám định thương tật giả.
Ông Lãng kể: “Ngày ấy, bạn tôi nói mất 30 triệu đồng thì sẽ có hồ sơ thương binh, thêm 30 triệu đồng nữa thì sẽ có chứng nhận mức độ thương tật... Bỏ ra mấy chục triệu đồng thì sau này sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng nên người dân đua nhau làm hồ sơ thương binh giả, thậm chí có người làm xong hàng tháng không dám đi nhận tiền trợ cấp mà nhờ vợ đi lấy hộ.”
Nhớ lại những ngày ấy, ông Lãng bồi hồi nói: “Lúc ấy tôi đau xót lắm, tôi từng đi bộ đội năm 1965 và trở thành lái xe phá bom của binh đoàn 559. Tôi chiến đấu hơn 10 năm, cũng bị thương nặng nhưng vì trục trặc giấy tờ không làm hồ sơ thương binh được, trong khi những người không chiến đấu ngày nào lại làm hồ sơ hưởng chính sách cho người có công.”
“Những người bị tai nạn hoặc đập lúa, tuốt lúa bị cụt ngón tay... cũng trở thành thương binh, thế mà mình đã từng ‘ra sống, vào chết” vì Tổ quốc đến giờ vẫn không công nhận là thương binh, tôi không thể im lặng,” ông Lãng bùi ngùi kể lại.
Thời gian đó, ông Uẩn kể, cả xã người ta đua nhau làm hồ sơ thương binh giả, có lúc người ta còn nói đùa xã Ngũ Thái là "xã thương binh". Mặc cho nhiều người rủ làm hồ sơ thương binh giả, hai ông lão quyết tâm không tham nhũng tiền ngân sách nhà nước. Mặt khác, hai ông âm thầm "bắt tay nhau" thu thập hồ sơ, tìm kiếm chứng cứ để đấu tranh tố giác sai phạm.
Để có được những bộ hồ sơ tố giác với đầy đủ bằng chứng gửi lên các cơ quan chức năng, ngày ấy lúc thì hai ông cũng vờ như muốn làm hồ sơ thương binh giả, lúc lại nhận là đồng đội để được xem giấy tờ gốc, thu thập chứng cứ. Ông Uẩn nhớ lại: "Lúc ấy tôi cũng hơn 70 tuổi rồi nhưng có những ngày phải đạp xe hàng chục cây số để tìm kiếm hồ sơ, bằng chứng nhưng tôi không thấy mệt mỏi hay ốm yếu mà say sưa đi khắp mọi nơi. Suốt 3 năm trời, chúng tôi kết hợp với nhau cùng tìm được bằng chứng về hàng trăm bộ hồ sơ, giấy chứng nhận sai quy định trong việc hưởng chế độ người có công".
Những năm 2006, 2007 ấy là những năm mà hai ông lão đấu tranh chống tham nhũng gay gắt nhất. Vừa thu thập hồ sơ thương binh giả, hai ông cũng công khai tố cáo những sai phạm của chính quyền địa phương xã Ngũ Thái, xã Gia Đông (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) trong việc quản lý đất đai sai quy định và vì thế gặp không ít sức ép từ các đối tượng bị tố cáo.
Bị cô lập trên hành trình tìm công lý
Có lẽ không có con đường đấu tranh cho lẽ phải, chiến đấu với điều sai trái lại đươc "trải hoa hồng", với hai ông lão cũng vậy, hai ông sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân, sẵn sàng trả giá bằng kinh tế, sự yên ấm trong gia đình và thậm chí cả bằng máu. Trên hành trình đấu tranh tố cáo những sai phạm ấy, có những lúc chỉ còn lại hai ông già gần 80 tuổi, không ai tin rằng hai ông sẽ chiến thắng, ngay cả người thân cũng can ngăn vì lo lắng, áp lực.
Trong ký ức của ông Uẩn, những lần bị đe dọa vì tố cáo tham nhũng thì nhiều, nhưng ông nhớ nhất lần bị những kẻ côn đồ tìm đến tận nhà đánh vào đúng 30 Tết năm 2006 vì ông đã đứng ra tố cáo việc chia lô bán đất ở xã sai quy định của pháp luật. Ông Uẩn phải chạy lên công an tỉnh nhờ bảo vệ, không dám về nhà “ăn Tết” năm đó. Vừa chỉ vào vết sẹo trên trán và chiếc răng lung lay từ ngày bị đánh, ông Uẩn kể: “Ngay cả khi được công an tỉnh cam kết sẽ an toàn khi trở về, tôi vẫn không dám về ngay mà phải đi ở nhờ nhà bạn ông Lãng mấy ngày rồi mới về nhà.”
Các đối tượng bị tố cáo ra sức đe dọa, cô lập ông Uẩn để ép ông rút đơn kiện. Ông Uẩn bảo rằng đó là thời gian ông thấy cô đơn nhất, khi mà cán bộ địa phương bị tố cáo gây sức ép đuổi ông ra khỏi tổ chức các cụ của hội đình làng nhưng không ai dám đứng ra bảo vệ ông, có nhiều người cũng thương ông nhưng không dám ra mặt. Họ tìm cách cô lập ông ở địa phương và gây sức ép lên cả gia đình ông.
Ông Uẩn nhớ nhất là cái Tết năm 2007, một năm sau khi ông bị đánh, ngay trong ngày Mùng 1 Tết, cả gia đình họp lại đông đủ ai cũng khuyên ông rằng: “Ông không sai, nhưng ông tố cáo cũng không thay đổi gì được” nên ông hãy từ bỏ, thậm chí buộc ông phải lựa chọn “bỏ kiện cáo hay bỏ con cháu”.
Ông Uẩn ngậm ngùi nói: “Vì tôi mà con cái chịu nhiều áp lực và hiểu suy nghĩ của các con, thương các con lắm, nhưng tôi luôn tin là lẽ phải rồi sẽ chiến thắng. Vì thế, lúc ấy tôi thẳng thắn trả lời rằng tôi không bỏ cái nào cả, nhưng cái nào bỏ tôi trước thì tôi bỏ cái đó.”
Ánh mắt ông Uẩn sáng lên khi nhớ lại: “Lúc đó cô đơn và áp lực lắm nhưng tôi chỉ nghĩ, nếu tôi bỏ dở việc tố cáo tức là những gì tôi đã đấu tranh sẽ là sai, cứ nghĩ thế là tôi lại càng không thể từ bỏ được.”
Khi được hỏi về việc không hề sợ hãi hay áp lực trước những lời đe dọa, ngay lập tức ông Uẩn cười tươi và nói: “Có sợ chứ, lúc mới nghe dọa lần đầu thì cũng sợ lắm, nhưng rồi nghe điện thoại chửi, dọa nạt cả một tuần, cả tháng, cả năm mãi thành quen, không sợ nữa!”
Như hai người tri kỷ, ông Lãng cũng bảo: “Sống đến tuổi này rồi, chiến tranh còn không giết chết được tôi, thì nếu có chết vì đấu tranh chống những điều sai trái thì tôi cũng không hối hận.”
Hai ông lão 80 tuổi đều có cùng một suy nghĩ sẵn sàng hy sinh để đấu tranh cho lẽ phải. Những người bị tố cáo cứ nghĩ rằng bị trả thù, phá hoại hoa màu, tài sản để “đánh” vào kinh tế, gây khó khăn cho gia đình, đe dọa tính mạng, bị cô lập thì hai ông lão sẽ "chùn chân" mà lùi bước, thế nhưng ngược lại, càng khó khăn hai ông càng thêm quyết tâm "sắt đá" và càng đùm bọc cho nhau.
Ông Lãng nhớ rõ như in những ngày miệt mài đi khắp nơi tìm kiếm, thu thập chứng cứ tố cáo có lúc quên cả đường về nhà ăn cơm, vợ ông vì thế bực cũng không nấu cơm cho ông nữa. Ông Lãng kể: "Tôi quyết định ăn riêng trong suốt 8 năm trời để không ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình và toàn tâm cho việc đấu tranh vì công lý. Những ngày đi thu thập hồ sơ, chứng cứ, tôi lại rủ ông Uẩn về cùng nhau nấu cơm. Khi ông Uẩn bị đánh, bị đe dọa tính mạng, tôi lại nhờ bạn cưu mang ông Uẩn. Đến giờ, mỗi khi ốm đau chúng tôi vẫn chia nhau từng viên thuốc, đơn thuốc."
Ông Lãng bảo: “Tôi thương ông Uẩn vì gia đình tôi con cái đều làm doanh nghiệp, làm tự do nhưng các con ông Uẩn đều làm trong các cơ quan nhà nước, nên khi đấu tranh chống tham nhũng, ông Uẩn phải chịu nhiều áp lực hơn tôi.”./.