Mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân vùng cửa biển Hải Phòng thường đi lễ chùa đầu năm; đây là một phong tục, một nét văn hóa đẹp được lưu giữ từ nhiều đời nay.
Đến những điểm tâm linh lễ bái, mỗi người tìm thấy giây phút thư thái, an nhiên sau một năm đầy bộn bề, toan lo của cuộc sống, của dịch bệnh... Đặc biệt trong trạng thái bình thường mới, mọi người đều mong cầu bình an cho bản thân, gia đình và người thân.
Hướng về phía biển để cảm nhận sự mặn mòi, may đủ. Với suy nghĩ này, nhiều người dân chọn các chùa gần biển để đi lễ. Ngoài ra, đây nhiều người đến chùa để vãn cảnh, để "check-in" trong những ngày đầu Xuân Nhâm Dần.
Tháp Tường Long tọa lạc tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng được xem là một trong những điểm đến có từ lâu đời nhất. Công trình kiến trúc Phật giáo này được xây dựng từ đời vua Lý Thánh Tông. Trải qua nhiều năm tồn tại, tòa tháp và các công trình phụ vẫn giữ được đậm nét dấu ấn của lịch sử. Bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm 190 độ.
Theo sách "Đại Việt sử lược," năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau đó, Ngài nằm mộng thấy rồng vàng nên đã ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là "Thấy rồng vàng hiện lên" để ghi nhớ điềm lành. Lại có người cho rằng cửa biển Đồ Sơn là một trong những cái nôi tiếp nhận linh khí trời đất nên tháp thờ Phật được dựng ở đây. Trước kia, nơi đây có thể còn là một đài quan sát nằm trong hệ thống "truyền đăng." Mỗi khi có biến, các trạm quan sát ven biển liền đốt cỏ khô cho khói bay lên Trời, truyền tín hiệu báo động về kinh thành...
[Lễ chùa đầu năm - Phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt tại Lào]
Chị Nguyễn Thị Hồng, 39 tuổi ở phố Văn Cao, thành phố Hải Phòng chia sẻ hiếm có ngọn tháp nào có được vị thế như tháp Tường Long. Tháp bao quanh bởi cây rừng xanh mát, dưới chân tháp là gần biển. Mọi người đến tháp Tường Long để ngắm phong cảnh hữu tình và để tận hưởng một không gian thanh tịnh, gần gũi, hòa mình giữa thiên nhiên.
Cách tháp Tường Long không xa là đền Bà Đế, nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Tương truyền vào năm 1718, ở phía Đông Nam vùng Ngọc Ðồ Sơn, có đôi vợ chồng họ Ðào đã hai mươi năm không có con. Hai vợ chồng tu thân, tích đức, cầu xin trời Phật cho một mụn con.
Trời Phật động lòng, đã báo mộng và cho người vợ được mang thai. Tròn ngày, tròn tháng, đứa bé ra đời và được đặt tên là Ðào Thị Hương. Từ khi sinh ra, người đứa trẻ đã tỏa hương thơm ngát, phát ánh hào quang và đi đến đâu cũng có làn mây che đến đó. Càng lớn lên, Ðào Thị Hương càng xinh đẹp, lộng lẫy. Bà rất khéo tay, siêng năng mọi việc và đã trở thành vợ chúa Trịnh Giang (bà Đế). Nhưng sau này, bà Đế phải chịu nỗi oan khuất, bất hạnh.
Sau khi mất, đền thờ Bà Đế được xây dựng ở phần núi ngay sát biển Đồ Sơn. Ðền thờ Bà Đế - vợ chúa Trịnh Giang đã được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong "Ðông Nhạc Ðế Bà-Trịnh chúa phu nhân."
Khách đến đền thờ Bà Đế ngày càng đông. Mọi người đến đây không chỉ để tận hưởng hương vị mặn nồng của biển, để xin tài, xin lộc đầu Xuân mà còn để chia sẻ và đồng cảm với thân phận một người con gái xinh đẹp, thủy chung mà phải chịu những niềm đau...
Tiếp tục hành trình, mọi người hành hương về Khu Di tích Bạch Đằng Giang, Tràng Kênh, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đây là địa danh nổi tiếng với ba trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử Việt Nam. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt như Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân đã xây dựng khu Di tích Bạch Đằng Giang, một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.
Khu Di tích Bạch Đằng Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào ngày 2/1/2021. Theo tài liệu, khu Di tích Bạch Đằng Giang thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc đã có công lớn trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng; khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam; những giá trị nổi bật của các trận thắng trên sông Bạch Đằng đối với lịch sử Việt Nam và thế giới.
Khu di tích góp phần khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới; tuyên truyền những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa dân tộc. Hiện nay, khu Di tích quốc gia Bạch Đằng Giang đang được từng bước nghiên cứu, bổ sung giá trị, hướng tới trình đề nghị UNESCO công nhận quần thể Di tích Chiến thắng trên sông Bạch Đằng là Di sản văn hóa thế giới.
Anh Nguyễn Văn Chuyên, 57 tuổi, ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết các thành viên trong gia đình đến với khu di tích Bạch Đằng Giang để du Xuân, thưởng ngoạn vẻ đẹp non nước hữu tình, để tìm cảm giác an yên, tạm xa rời cuộc sống bận rộn thường ngày. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để học hỏi, để biết thêm nhiều về tầm vóc của ba trận thủy chiến lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam.
Trong những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, khu di tích Bạch Đằng Giang đã đón hàng vạn du khách trong và ngoài nước về thăm quan. Do tình hình dịch COVID-19 tại Hải Phòng vẫn diễn biến phức tạp, mọi người tham quan đều có ý thức giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Tại Hải Phòng, còn nhiều địa danh khác nữa mà du khách có thể đến thăm, vãn cảnh, hòa cùng với không gian thanh tịnh khi mỗi độ Tết đến, Xuân về. Đến những nơi tâm linh, mọi người hướng tâm hồn vào nơi cửa Phật, thẩm giáo lý nhà Phật để sống tốt đời, đẹp đạo, để thấy được giá trị của cội nguồn và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam./.