Ngày 30/11, hàng nghìn học sinh tại thành phố Sydney, bang New South Wales của Australia đã tập trung tại khu vực quảng trường Martin Place, biểu tình yêu cầu chính phủ hành động trước thực trạng biến đổi khí hậu.
Hưởng ứng hoạt động biểu tình của học sinh thủ đô Canberra hồi đầu tuần này cũng như cuộc biểu tình của khoảng 1.500 học sinh tại thành phố Hobart, bang Tasmania ngày 29/11, nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng đã được tổ chức đồng loạt ở một số thành phố lớn của Australia như Melbourne, Brisbane, Perth.
[Biến đổi khí hậu - nguy cơ lớn nhất đe dọa thế giới trong thế kỷ 21]
Phản ứng về việc học sinh tham gia biểu tình, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh học sinh cần tập trung học tập nhiều hơn và giảm bớt các hoạt động chính trị trong trường học.
Tuy nhiên, lời nhận xét này lại tạo ra hiệu ứng ngược. Nhiều học sinh cho rằng các em sẽ không tham gia biểu tình nếu chính phủ và quốc hội lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học và tập trung hành động.
Người phát ngôn Sở Giáo dục bang New South Wales cho biết việc tự ý nghỉ học của các em học sinh sẽ bị đánh dấu vắng mặt và phải tuân theo các quy định kỷ luật của nhà trường.
Trong khi đó, người phát ngôn Sở Giáo dục bang Victoria lại ủng hộ hoạt động trên và khẳng định các trường học cam kết hỗ trợ tiếng nói của học sinh trong các hoạt động, cũng như cách thức bày tỏ quan điểm, nhận thức của các em đối với những vấn đề mà họ thấy cần thiết.
Các cuộc biểu tình của học sinh ở Australia là nhằm hưởng ứng phong trào vận động toàn cầu tham gia chống biến đổi khí hậu do học sinh người Thụy Sĩ Greta Thunberg, 15 tuổi, khởi xướng.
Australia là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát thải khí carbon trên đầu người cao nhất thế giới do các nhà máy điện của nước này vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nhiên liệu than đá./.