Để giảm thiểu tác động của các hóa chất độc hại đến môi trường và sức khỏe con người, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc và Quỹ Môi trường toàn cầu đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên-Môi trường triển khai “Dự án quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam" với tổng kinh phí 2,25 triệu USD.
Dự án quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam được triển khai trong vòng 3 năm (từ 2016 đến 2018).
Dự án gồm 4 hợp phần: Xây dựng và thực thi khung chính sách quản lý an toàn về môi trường đối với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, nguy hại; quan trắc và báo cáo các chất các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; quản lý các khu vực bị ô nhiễm các chất nguy hại; kiểm kê dữ liệu cơ sở quốc gia về thủy ngân và giảm phát thải thủy ngân.
Tại buổi hội thảo khởi động dự án diễn ra ngày 14/4 tại Hà Nội, ông Đào Xuân Lai, đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho biết, dự án này có sự khác biệt đối với các dự án khác về lợi ích đạt được là thông qua các cải tiến kỹ thuật và thể chế, thay vì xử lý trực tiếp các nguồn ô nhiễm.
Dự án cũng tập trung xác định các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong tổng số 1.350 tấn thuốc trừ sâu và 5.000 tấn tro chứa Dioxin có khả năng gây ô nhiễm. Qua đó tiến hành tiêu hủy khoảng 150 tấn hóa chất có độc tính cao.
Từ góc độ cơ quan được giao triển khai thực thi dự án, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay, một trong các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam là tăng cường quản lý an toàn hóa chất, nhất là các chất hữu cơ khó phân hủy, độc hại.
Với tinh thần đó, dự án khởi động hôm nay sẽ hướng đến giải quyết vấn đề ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ở Việt Nam. Dự án cũng sẽ xây dựng công cụ nhằm quản lý mức thải chất hữu cơ khó phân hủy trong sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức công cộng về các hóa chất độc hại và giảm tác động của chúng đến môi trường và sức khỏe con người./.