Họa sỹ Bỉ gốc Việt tìm về nguồn cội qua những bức tranh

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, Bỉ, họa sỹ Thy Nguyên cho biết anh sinh ra và lớn lên ở Bỉ và luôn muốn hiểu rõ về nguồn cội của mình, nơi ông bà, bố mẹ của anh sinh ra và lớn lên.
Họa sỹ Bỉ gốc Việt tìm về nguồn cội qua những bức tranh ảnh 1Họa sĩ Trương Minh Thy Nguyên giới thiệu tranh với Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo và phu nhân. (Ảnh: Hương Giang/ TTXVN)

Chiều 4/10 tại thủ đô Brussels, họa sỹ người Bỉ gốc Việt Trương Minh Thy Nguyên đã giới thiệu triển lãm tranh về đề tài nguồn cội. 

Những bức tranh đen trắng được tạo bằng những bước sóng li ti in trên nền giấy dó miêu tả cảnh sinh hoạt gia đình ở Việt Nam. Đó là hình ảnh ông bà ngoại của Thy Nguyễn, con trâu, lũy tre làng, hay đôi đũa, vật dụng không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt… Điều đặc biệt, những bức tranh của Thy Nguyên đều được vẽ bằng thuật toán. Nếu nhìn gần, đó chỉ là những vạch nhỏ nhưng ngắm từ xa thì rất ấn tượng.

Họa sỹ Thi Nguyên sinh ra tại Bỉ, sống và hoạt động cùng đoàn văn hóa nghệ thuật Trường Sơn của Hội người Việt Nam tại Bỉ. Trong thời gian cách ly vì dịch COVID-19, Thy Nguyên suy nghĩ về cội nguồn cùng với văn hóa tiếp thu từ Bỉ và đã ứng dụng kiến thức về tin học để sáng tác tranh. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, họa sỹ Thy Nguyên cho biết anh sinh ra và lớn lên ở Bỉ. Anh luôn mong muốn hiểu được các cấu trúc xã hội của khái niệm bản sắc văn hóa. Việc mang hai quốc tịch Bỉ-Việt khiến anh tìm hiểu về sự đan xen văn hóa được lan truyền trong cuộc sống hằng ngày của anh, vừa theo cách của người Việt Nam, vừa theo cách của người Bỉ. Vì thế, anh luôn muốn hiểu rõ về nguồn cội của mình, nơi ông bà, bố mẹ của anh sinh ra và lớn lên. 

Anh dùng những bức ảnh tư liệu gia đình rồi vẽ trên máy tính bằng những bước sóng. Đây là một kỹ thuật hoàn toàn mới, thể hiện sự sáng tạo của tác giả để diễn tả những tình cảm của một người con xa xứ nhưng luôn nhớ về quê hương, cội nguồn của mình.

[Tự họa của nữ danh họa Frida Kahlo dự kiến được bán đấu giá cao kỷ lục]

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Nguyễn Văn Thảo, bày tỏ xúc động khi ngắm nhìn các tác phẩm của họa sỹ Thy Nguyên. Đại sứ mong rằng lớp thanh niên Việt Nam thế hệ thứ hai tại Bỉ luôn gìn giữ và phát huy tinh thần yêu nước, bản sắc văn hóa quê hương và lan tỏa văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Anh Thomas Grivengnee, một vị khách thăm triển lãm nói rằng anh rất xúc động trước những bức vẽ của Thy Nguyên. Đây là những bức tranh mang đầy kỷ niệm, nỗi nhớ quê hương. Là một người bạn của họa sĩ và qua những tác phẩm này, anh hiểu hơn về quá khứ của gia đình Thy Nguyên, về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, những hình ảnh về một cuộc sống hoàn toàn khác so với nước Bỉ. 

Họa sỹ Thy Nguyên sinh năm 1982 tại Brussels có bố mẹ đều là các du học sinh Việt Nam tại Bỉ thời những năm đầu của thập niên 70. Bố mẹ đã truyền cho anh một phần văn hóa cội nguồn, ngôn ngữ và cách sử dụng bí quyết của người Việt. Trong khi đó, quá trình lớn lên và học tập tại Bỉ đã mang đến cho anh một phần bản sắc văn hóa Bỉ. Là họa sỹ đồng thời cũng là lập trình viên máy tính, Thy Nguyên luôn bị cuốn hút bởi việc thực hành nghệ thuật trong bối cảnh văn hóa hậu thuộc địa và những ý niệm về bản sắc.

Anh tốt nghiệp chuyên ngành tạo hình, nghệ thuật thị giác và không gian tại Trường nghiên cứu đồ họa ở Bỉ. Sau những trải nghiệm nghệ thuật và giao lưu tại Việt Nam, anh quyết định theo học Thạc sĩ chính trị học và thực nghiệm đồ họa - thiết kế và chính trị đa phương tiện.

Họa sỹ Thy Nguyên cũng là người đồng sáng lập "Máy xay sinh tố", một dự án hợp tác nghệ thuật đa văn hóa giữa Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp vùng Wallonie-Brussels và Việt Nam được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời anh cũng là giảng viên bộ môn nghệ thuật thị giác tại Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. 

Đây là triển lãm lần thứ 4 của họa sỹ Thy Nguyên tại Bỉ. Anh mong muốn sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, anh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam cũng như truyền dạy kỹ thuật vẽ tranh bằng thuật toán cho các sinh viên tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục