Họa sỹ Lê Thiết Cương 'phổ họa' vào 'Kiều' theo phong cách tối giản

Họa sỹ Lê Thiết Cương 'phổ họa' vào Kiều theo phong cách tối giản

Mỗi bức tranh của Lê Thiết Cương vẽ Kiều sẽ có một câu thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sáng tác. Tất cả hòa thành một bản tam tấu thơ-họa-thơ vô cùng hấp dẫn.
Tác phẩm Truyện Kiều với 24 bức tranh của họa sỹ Lê Thiết Cương cùng bản gốc tranh trên vải màn bồi giáy dó và tranh vẽ trên lọ gốm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tác phẩm Truyện Kiều với 24 bức tranh của họa sỹ Lê Thiết Cương cùng bản gốc tranh trên vải màn bồi giáy dó và tranh vẽ trên lọ gốm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chiều 14/4, họa sỹ Lê Thiết Cương khai mạc triển lãm 24 bức tranh sáng tác dựa trên cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

Nhân dịp này, anh cũng ra mắt cuốn sách “Truyện Kiều-Nguyễn Du/Lê Thiết Cương-24 tranh,” một dự án đặc biệt được ấp ủ trong nhiều năm.

Trước Lê Thiết Cương đã có nhiều bậc thầy từ thế hệ họa sỹ Đông Dương đến các thế hệ sau đều có nhiều tác phẩm về Kiều. Trong ấn bản này, họa sỹ Lê Thiết Cương đã tìm cho mình cách “phổ họa” vào Kiều theo phong cách tối giản với chất liệu bột màu trên vải màn bồi giấy dó.

Cuốn sách có hai phần. Phần đầu là 24 bức tranh được họa sỹ Lê Thiết Cương vẽ trên cảm hứng từ những câu Kiều kèm theo là những dẫn giải của họa sỹ như một cách trò chuyện, gợi ý để độc giả khám phá thêm vẻ đẹp của tác phẩm. Bên cạnh đó, mỗi bức tranh sẽ có một câu thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sáng tác với suy tưởng từ câu thơ Kiều và bức tranh đó, hòa thành một bản tam tấu thơ-họa-thơ vô cùng hấp dẫn.

Họa sỹ Lê Thiết Cương 'phổ họa' vào Kiều theo phong cách tối giản ảnh 1Một trong số 24 bức tranh của họa sỹ Lê Thiết Cương vẽ Kiều. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phần thứ hai là toàn bộ nội dung “Truyện Kiều” của Nguyễn Du theo bản in “Nguyễn Du-Truyện Thúy Kiều” của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, ấn bản đầu do Vĩnh Hưng Long in năm 1925.

Ngoài ra, họa sỹ còn mang đến cho độc giả một cái nhìn mới với “Truyện Kiều” bằng Phụ lục 177 chữ “lòng” được anh tỷ mỷ thống kê trong 3.254 câu thơ và đưa ra bình luận, phân tích những tầng ý nghĩa khác nhau.

[Họa sĩ Lê Thiết Cương triển lãm tranh vẽ từ thơ của Đặng Đình Hưng]

Nói về tác phẩm của mình, họa sỹ Lê Thiết Cương cho hay đây là một ấn phẩm đồ họa độc lập do con trai anh, nghệ sỹ trẻ Lê Nguyên Nhật ở Paris thiết kế.

“Khi đọc được vẻ đẹp của câu chữ, cảm xúc sẽ bùng lên, sẽ gọi hình, gọi màu về. ‘Truyện Kiều’ là ga khởi hành nhưng đích đến dứt khoát phải là hội họa, phải là vẻ đẹp của chữ nghĩa đã được chuyển soạn thành vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo hình. Nếu không làm được vậy thì vô tình ta sẽ giết chết cả thi ca lẫn hội họa. Một bức tranh Kiều đẹp sẽ nói được cả những điều dưới mặt chữ,” họa sỹ chia sẻ.

Anh cho rằng vẽ Kiều là dịch Kiều từ thơ sang hội họa, là phổ họa vào Kiều như phổ nhạc một bài thơ, như Kiều ca của nhạc sỹ Phạm Duy, opera Kiều của Trần Quảng Nam... Còn với Lê Thiết Cương, những bức tranh là văn bản thứ hai của “Truyện Kiều.”

Nghệ sỹ cho rằng “thơ sao vẽ vậy” cũng hay nhưng chỉ hợp với những câu tả cảnh, tả người kiểu như “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa,” “Râu hùm hàm én mày ngài”…

Còn những câu tả ý, tả tâm trạng, tả tình thì khó vẽ hơn. Nghệ sỹ chọn cách vẽ ước lệ, tối giản cho Kiều.

Ví dụ trong bức “Tương tư,” Kiều và Kim Trọng không lúc nào mà không nhớ tới nhau nhưng lại không được gặp mặt: “Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trong đầu nọ bên chờ cuối kia.”

“Tôi vẽ chân dung Kiều và Kim ngược nhau, mỗi nhân vật ở một đầu tranh và có một dòng sông ước lệ bằng 4 nét như 4 sợi dây đàn nguyệt chảy ngang qua khuôn mặt họ,” họa sỹ chia sẻ.

Ở một bức khác, Bạc Bà lừa gả Kiều cho cháu là Bạc Hạnh, tên này bán Kiều vào lầu xanh, đến nỗi này thì Nguyễn Du viết những vần thơ đau xót: “Chém cha cái số hoa đào/ Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.”

Vậy là họa sỹ vẽ Kiều đội nón che nửa mặt, một con mắt bay lên nền trời màu hồng đào bích như muốn hỏi sao phận số của những người tài sắc lại truân chuyên thế. Phần thân của Kiều được tạo hình bằng những nét mảnh như sợi dây trói buộc...

Họa sỹ Lê Thiết Cương 'phổ họa' vào Kiều theo phong cách tối giản ảnh 2Bộ sưu tập các bản Truyện Kiều quý hiếm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhà thơ, nhà phê bình Thụy Kha đánh giá đây là cuốn “Truyện Kiều” có nhiều phụ bản màu nhất từ trước đến nay.

“Đây không phải là những bức minh họa cho thơ của cụ Nguyễn Du mà là những bức tranh có đời sống riêng, lấy cảm hứng từ thơ mà thôi. Minh họa chỉ tả cảnh, tả thơ còn tranh của Lê Thiết Cương tả ý, tả tình. Mỗi bức là suy tưởng, chiêm nghiệm của bản thân nghệ sỹ,” ông chia sẻ.

Nhân dịp này, công chúng cũng sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập những cuốn sách Kiều quý hiếm của nhà sưu tập Nguyễn Duy Cường: “Truyện Kiều” bản Nôm Hoàng gia triều Nguyễn lưu tại Thư viện Anh quốc là bản truyện Kiều Nôm được minh họa đầu tiên tại Việt Nam ngay sau khi Nguyễn Du mất; “Kim Vân Kiều” của Nhà xuất bản Văn học tại Paris ấn hành năm 1951 gồm 6 phụ bản tranh của các danh họa Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Sekiguchi, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Phạm Thúc Chương hay cuốn “Truyện Kiều” tí hon có chữ ký của vợ chồng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm…

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 24/4 trưng bày tại Thăng Long Gallery, 41 Hàng Gai, Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục