Ngày 25/11, do ảnh hưởng bão số 9 và áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, tại tỉnh Tiền Giang có mưa to trên diện rộng.
Theo ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, ước tính từ sáng sớm 25/11 đến khoảng 16 giờ cùng ngày tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh trong mức từ 100 mm đến 150mm.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, chưa ghi nhận thiệt hại do bão số 9 và áp thấp suy yếu từ bão gây ra trên địa bàn.
Khoảng 16 giờ ngày 25/11, các hộ dân đã sơ tán từ ngoài đê và những khu vực không an toàn trước đó trở về nơi ở cũ do cơn bão đã không còn đe dọa trực tiếp đến tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết tỉnh đã triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm đối phó với bão số 9, các cấp, các ngành của tỉnh đã kêu gọi toàn bộ toàn bộ các phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn.
Khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và giữ liên lạc thường xuyên với đất liền.
Mặt khác, địa phương còn tổ chức di dời dân bước 1 từ khu vực ngoài đê, ven đê và những nơi thiếu an toàn đến các nơi an toàn để phòng tránh bão, không để thiên tai gây hại; đồng thời huy động lực lượng quân đội cùng các phương tiện gia cố bảo vệ đê biển xung yếu Gò Công thuộc địa bàn xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông cũng như trực sẵn sàng ứng cứu đê trong những ngày cao điểm bão số 9.
Trong khi đó, tại khu vực Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục mưa to trở lại, gió giật mạnh. Một số tuyến đường, khu vực trên địa bàn bị ngập nhẹ. Một số cây xanh bị nghiêng, ngã đổ.
[Bão số 9 quét qua TP.HCM: Mưa to, gió giật mạnh tại Cần Giờ]
Trên địa bàn huyện Cần Giờ chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại nào về người; người dân ở được đảm bảo an toàn; các công trình hạ tầng kỹ thuật không bị thiệt hại.
Theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, mọi công tác theo kế hoạch và phương án đề ra để ứng phó với bão số 9 đã được đảm bảo; người dân tiếp tục tạm trú an toàn tại 28 điểm di dời (khoảng hơn 4.600 người), ổn định.
Lệnh cấm biển, sông, phà, đò vẫn được duy trí nghiêm; công tác trực ban ứng phó nghiêm túc và mọi công tác hậu cần được đảm bảo.
Tính đến 15 giờ ngày 25/11, thống kê nhanh về thiệt hại từ các xã, thị trấn của huyện Cần Giờ: Không có căn nhà nào bị sập, chỉ có hai trường hợp nhà bị tốc mái, đã được các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục; 5 cây xanh bị ngã đổ, đã được các đơn vị chức năng phối hợp xử lý kịp thời để đảm bảo lưu thông.
Ngoài ra, 3 trụ điện tại xã Lý Nhơn bị nghiêng nhưng đã được xử lý, đảm bảo an toàn lưới điện.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đề nghị: Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai rà soát địa bàn, kiểm tra, ghi nhận những thiệt hại tiếp theo (nếu có); đảm bảo tốt hậu cần cho người dân trên địa bàn, nhất là người dân tại các địa điểm tránh trú.
Các lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát các khu vực bến phà, đò ngang, đò dọc…; đồng thời, không để bất cứ trường hợp ngư dân nào ra khơi khi thời tiết chưa ổn định.
Đối với vấn đề giáo dục, ông Lê Thanh Liêm cho biết, do ở huyện Cần Giờ, người dân di dời khả năng chưa trở về nhà trong ngày 25/11 nên sẽ tính đến phương án cho học sinh nghỉ học trong ngày thứ hai (ngày 26/11) và sẽ tổ chức học bù sau.
Trước đó, để ứng phó với bão số 9, Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ đã huy động tại chỗ gần 2.300 người tham gia, lực lượng thành phố chi viện khoảng 70 người cùng các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn./.