Học giả Campuchia: RCEP mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế toàn cầu

RCEP đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang mất đi sự cân bằng do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, chủ nghĩa bảo hộ và chính sách đơn phương.
Học giả Campuchia: RCEP mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế toàn cầu ảnh 1Lễ ký kết Hiệp định RCEP. (Nguồn: AFP)

Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) không chỉ có lợi cho châu Á mà còn cho cả thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, đây là nhận định của các học giả Campuchia được đăng trên báo Khmer Times số ra ngày 18/11.

Theo cố vấn cấp cao của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tối cao Campuchia, Mey Kalyan, RCEP đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang mất đi sự cân bằng do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, chủ nghĩa bảo hộ và chính sách đơn phương.

[RCEP liên kết thế mạnh của các nền kinh tế Bắc Á và Đông Nam Á]

Ông Kalyan nêu rõ: “Vào thời điểm đại dịch COVID-19 tiếp tục đe dọa tính mạng của người dân trong khu vực và thế giới, việc ký RCEP là một trong những sự kiện mang tính lịch sử ở châu Á, không chỉ tác động tốt đến khu vực này mà còn cho cả thế giới."

Cũng theo ông Kalyan, người đồng thời là Chủ tịch Viện Nguồn Phát triển Campuchia, RCEP sẽ tạo lực đẩy cho tăng trưởng của khu vực thời kỳ hậu COVID-19 và mang đến lợi ích dài hạn cho tất cả các nước tham gia, bao gồm cả Campuchia.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21 của Campuchia, Neak Chandarith, cho rằng việc ký RCEP thực ra đã được cân nhắc và lên kế hoạch, song ý nghĩa và tính cấp thiết của hiệp định đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh thương mại bất ổn do tác động của đại dịch COVID-19 và chủ nghĩa bảo hộ.

Hiệp định thể hiện cam kết và đồng lòng về ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong thương mại, đồng thời bù đắp những tổn thất kinh tế nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 và chủ nghĩa bảo hộ gây ra.

Theo ông Chandarith, RCEP có độ phủ rộng trong nhiều lĩnh vực từ thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, thương mại điện tử, quy tắc về xuất xứ, đến giải quyết tranh chấp và sở hữu trí tuệ.

RCEP tự do hơn các FTA giữa ASEAN+1 và quy chế Tối huệ quốc (MFN) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Chandarith nhấn mạnh đối với Campuchia, hiệp định này là thỏa thuận thương mại đầu tiên cho phép nước này có thể gần như tự do xâm nhập thị trường rộng lớn trong khu vực.

Khi RCEP có hiệu lực, kim ngạch thương mại của Campuchia sẽ tăng và nguồn vốn đầu tư vào nước này sẽ nhiều hơn. Hơn nữa, Campuchia cũng hy vọng rằng RCEP sẽ giúp tăng cường sức mạnh của các FTA song phương khác giữa Campuchia với các nước thuộc RCEP và cả những nước nằm ngoài RCEP. RCEP sẽ thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư vào tất cả các nước tham gia trong ASEAN.

Còn theo nhận định của Giáo sư Joseph Matthews, thuộc Đại học Quốc tế BELTEI ở Phnom Penh, RCEP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và thương mại ở các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời giúp tăng lòng tin vào nền kinh tế toàn cầu.

Ông Matthews nói: “Trong bối cảnh hệ thống thương mại đa phương toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng RCEP sẽ cho phép duy trì hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy hội nhập sâu vào dây chuyền công nghiệp toàn cầu và đóng vai trò làm lực đẩy cho việc xây dựng một hệ thống thương mại mở trên thế giới.”

Ông nhấn mạnh RCEP sẽ là nhân tố định hướng cho sự phát triển của kinh tế thế giới thời hậu COVID-19.

RCEP gồm 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Các cuộc đàm phán RCEP bắt đầu được khởi động vào năm 2013 dưới sự dẫn dắt của ông Iman Pambagyo thuộc Bộ Thương mại Indonesia, và sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN.

Hiệp định được ký ngày 15/11 tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4, diễn ra trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 12-15/11, do Việt Nam chủ trì.

Với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019), RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục