Hội đồng Bảo an thông qua cơ chế cho phép trừng phạt Nam Sudan

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết cho phép áp đặt trừng phạt lên các bên nhằm gia tăng áp lực lên các bên xung đột ở Nam Sudan khi thời hạn cho một thỏa thuận đã cận kề.
Hội đồng Bảo an thông qua cơ chế cho phép trừng phạt Nam Sudan ảnh 1Đại diện thường trực Nam Sudan tại Liên hợp quốc phát biểu trước phiên bỏ phiếu của Hội đồng bảo an ở New York (Mỹ). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 3/3 đã nhất trí thông qua nghị quyết cho phép áp đặt trừng phạt lên các bên nhằm gia tăng áp lực lên các bên xung đột ở Nam Sudan trong bối cảnh thời hạn chót cho một thỏa thuận đã cận kề.
Nghị quyết do Liên hợp quốc soạn thảo yêu cầu thành lập một ủy ban trừng phạt chịu trách nhiệm đệ trình lên Hội đồng Bảo an danh sách những cá nhân hoặc tập thể gây bế tắc cho nỗ lực tạo lập hòa bình ở quốc gia châu Phi này.
Những đối tượng có tên trong danh sách trên sẽ bị cấm đi lại trên phạm vi toàn cầu và đóng băng tài sản.
Nghị quyết nêu rõ các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng với những người "đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của Nam Sudan," bao gồm những người gây cản trở các cuộc đàm phán hòa bình, cản trở hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, tuyển mộ lính trẻ em hoặc tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Việc thông qua nghị quyết có thể mở đường cho việc áp đặt một lệnh cấm vũ khí đối với Nam Sudan, một biện pháp được Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt ủng hộ.
Nghị quyết được toàn bộ 15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an thông qua trong bối cảnh ngày 5/3 tới là hạn chót để Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh phe nổi dậy Riek Machar đi tới thỏa thuận cuối cùng về việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 14 tháng qua vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người. Tuy nhiên đến nay các nỗ lực đàm phán vẫn có nhiều tiến triển.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power khẳng định nghị quyết sẽ trao cho các nhà trung gian châu Phi công cụ hữu hiệu để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình.

Trong khi đó, Đại sứ Nga Pyotr Ilyichev vẫn bày tỏ hoài nghi, cho rằng việc thông qua nghị quyết có phần hơi nóng vội và các biện pháp trừng phạt có thể mang lại kết quả không mong đợi.
Về phần mình, Đại sứ Nam Sudan tại Liên hợp quốc Francis Deng hối thúc Hội đồng Bảo an kiềm chế tiến hành các bước đi tiếp theo, nhất là việc áp lệnh trừng phạt, để tạo không gian cần thiết cho các bên tiến tới một giải pháp hòa bình thực sự.
Nam Sudan tách khỏi Sudan năm 2011 sau nhiều thập kỷ xung đột vũ trang. Tuy nhiên, quốc gia non trẻ nhất thế giới này đã rơi vào vòng xoáy bạo lực từ tháng 12/2013 khi Tổng thống Kiir cáo buộc cấp phó của mình là ông Machar âm mưu đảo chính.
Đụng độ giữa lực lượng quân đội trung thành với ông Kiir và các tay súng ủng hộ ông Machar đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng và lôi kéo khoảng 20 nhóm vũ trang vào cuộc. Ít nhất 6 thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn đã được ký kết giữa các bên sau 8 cuộc đàm phán do Cơ quan phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) tổ chức.
Tuy nhiên, các thỏa thuận này liên tục bị phá vỡ. IGAD cảnh báo nếu thỏa thuận vừa đạt được tiếp tục bị vi phạm thì sẽ đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Hội đồng Hòa bình của Liên minh châu Phi (AU).
Theo thống kê, cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan đã khiến 1,9 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hơn 7 triệu người đứng trước nguy cơ bị đói nghèo và dịch bệnh hành hạ./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục