Ngày 30/9, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 9 tháng qua, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm nay.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng qua của thành phố còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như mặc dù duy trì được tăng trưởng, nhưng ngành dịch vụ có mức tăng thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay; hoạt động thương mại kém sôi động, đặc biệt là mức bán lẻ tăng thấp so với những năm trước.
Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, nhân dân các vùng xa trung tâm vẫn còn rất nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn nhiều. Thu hút vốn đầu tư xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra. Thị trường bất động sản chuyển biến chậm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, kết quả thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" chưa đồng đều ở các cấp, ngành, chưa nổi bật, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi và các nguồn lực đã bỏ ra. Chất lượng công tác đầu tư, quản lý, giám sát, sử dụng hè phố còn nhiều hạn chế; công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng chuyển biến chậm, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; những sai phạm từ cả hai phía: các cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư và người dân vẫn diễn ra.
Theo Bí thư Thành ủy, những yếu kém, lúng túng trong công tác quản lý nhà chung cư, tái định cư trên địa bàn thành phố; sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà; một số vụ việc bức xúc xảy ra gần đây trong lĩnh vực y tế (vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, chất lượng máy xét nghiệm tại một số bệnh viện tuyến huyện, việc dịch sởi chậm được kiểm soát...) cho thấy những yếu kém, sơ hở trong công tác quản lý cần được khẩn trương khắc phục.
Một số nơi, cơ quan chính quyền chưa làm hết trách nhiệm trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. An ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp...
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, kinh tế Thủ đô có tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá: mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 quý tương ứng là 6,6%, 8,1% và 9,1%, tăng trưởng 9 tháng bình quân đạt 7,9%, tương đương mức tăng cùng kỳ 2013; dự báo quý 4 tăng 10,5-10,7%, cả năm 2014 ước tăng 8,6%.
Trong số đó, ngành công nghiệp và xây dựng có sự cải thiện, giá trị sản xuất 2 ngành tăng tương ứng là 7,8% và 9%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước; thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm dần, rõ nhất là đối với phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp và tại một số địa điểm có vị trí thuận lợi.
Xuất khẩu có xu hướng phục hồi ở tất cả các khu vực kinh tế, với mức tăng kim ngạch 11,6%, là mức tăng đáng kể so với mức giảm 1,5% của cùng kỳ năm trước.
Mặc dù bị ảnh hưởng do việc giảm khách du lịch từ Trung Quốc, lượng khách du lịch lưu trú trên địa bàn vẫn tăng 2,1%, trong đó khách quốc tế tăng 17,1% so với cùng kỳ 2013.
Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 92.500 tỷ đồng, bằng 73,29% dự toán, tăng 5,1% so với cùng kỳ, là điều kiện quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chi của thành phố. Công tác bình ổn giá, kiểm soát thị trường tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt./.