Hội nghị Munich họp thảo luận về an ninh châu Âu

Hội nghị An ninh Munich đã thảo luận quan điểm an ninh toàn vẹn ở châu Âu, trong đó bao hàm các khuyến nghị về phòng thủ tên lửa.
Trong ngày họp thứ hai 4/2, Hội nghị An ninh Munich diễn ra tại Đức đã nghe giới thiệu và thảo luận quan điểm an ninh toàn vẹn ở châu Âu, trong đó bao hàm những khuyến nghị về giải pháp cho vấn đề phòng thủ tên lửa.

Văn kiện nói trên, do các chuyên gia thuộc ủy ban Sáng kiến an ninh châu Âu-Đại Tây Dương (Euro-Atlantic Security Initiative) soạn thảo, đã được các nhà lãnh đạo ủy ban độc lập này, trong đó có Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ishinger, cựu Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov và cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Sam Nann, trình bày tại hội nghị.

Ông Ivanov nêu rõ: "Nhiệm vụ của chúng tôi là khắc phục sự thiếu tin cậy giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga." Ông đồng thời khẳng định rằng an ninh trên toàn thế giới phụ thuộc vào an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Sáng kiến châu Âu-Đại Tây Dương đề xuất giải pháp thỏa hiệp về vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Văn kiện quy định sự hợp tác của một bên là Nga với bên kia là NATO và Mỹ, trong việc xây dựng cấu trúc phòng thủ tên lửa, bao gồm việc gia tăng thời gian thông qua các quyết định và cảnh báo những rủi ro, thành lập một trung tâm thống nhất để đánh giá tình hình và lưu trữ dữ liệu, thường xuyên phân tích và trao đổi thông tin, quan hệ đối tác về kỹ thuật. Trong khi đó, theo quan điểm nói trên, các nước vẫn có quyền bảo mật thông tin mật.

Theo ý kiến của các chuyên gia, Nga và Mỹ cần học cách phối hợp hành động ở cấp chiến lược, thay đổi và phi quân sự hóa mối quan hệ lẫn nhau.

Văn kiện nêu rõ bước đi quan trọng trong việc đạt được hòa bình là sự hợp tác khu vực để khắc phục những cuộc xung đột lịch cử nhằm bình thường hóa quan hệ và hợp tác.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng một nền an ninh toàn vẹn ở châu Âu gắn bó chặt chẽ với an ninh năng lượng và an ninh kinh tế. Vì thế tất cả các bên, gồm Nga, Liên minh châu Âu và Mỹ, cần nỗ lực để khắc phục căng thẳng trong tranh cãi xung quanh việc phân chia nguồn tài nghuyên, kể cả ở Bắc cực, khởi động đối thoại năng lượng, bãi bỏ chế độ thị thực.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục