Hơn 10.000 ca tử vong ở châu Á, châu Phi có thể tới 190.000 người chết

Tính đến ngày 8/5 tổng số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Á đã vượt 10.000 người, trong đó Trung Quốc - nước khởi phát dịch - chiếm gần một nửa với 4.633 ca.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo thống kê của worldometers, tính đến trưa 8/5, thế giới đã ghi nhận 3.917.908 ca mắc dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, trong đó có 270.740 người thiệt mạng.

Hơn 10.000 ca tử vong ở châu Á

Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP tổng tợp các nguồn chính thức, tính đến ngày 8/5 tổng số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Á đã vượt 10.000 người, trong đó Trung Quốc - nước khởi phát dịch - chiếm gần một nửa với 4.633 ca, Ấn Độ 1.783 ca, Indonesia 930 ca.

Theo đó, với 10.001 ca tử vong trong tổng số 269.025 ca mắc COVID-19, châu Á có số ca mắc và tử vong thấp hơn nhiều so với châu Âu, khu vực đã ghi nhận tổng cộng 151.576 ca tử vong, cũng như Mỹ cùng Canada ghi nhận 79.328 ca.

Trung Quốc được đánh giá đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, với số ca nhiễm mới trong mấy ngày qua đều ở mức dưới 10 và chủ yếu là các trường hợp nhập cảnh.

Trong 3 tuần qua, Trung Quốc đại lục chỉ ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 4.633 người. 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết có 1 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục và không có ca tử vong nào trong ngày 7/5. Trường hợp nhiễm mới là lây nhiễm trong nước, ở tỉnh Cát Lâm. Ngoài ra, có 3 trường hợp nghi ngờ lây nhiễm từ nước ngoài, đều ở Thượng Hải.

Cũng trong ngày 7/5, có 36 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện sau khi bình phục tại Trung Quốc đại lục. Như vậy, tính đến nay Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 82.886 người nhiễm, trong đó 77.993 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện.

[Trung Quốc: Phát hiện virus SARS-CoV-2 trong tinh dịch bệnh nhân]

Trong khi đó, sáng 8/5, Bộ Y tế Ấn Độ đã ghi nhận thêm 3.390 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 và thêm 103 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong lên lần lượt là 56.342 và 1.886.

Ngày 8/5 đánh dấu 45 ngày liên tiếp Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/3 và đã 2 lần được kéo dài thêm 2 tuần, tới ngày 17/5 tới.

Liên quan tới diễn biến dịch bệnh ở Pakistan, tính đến ngày 8/5, số ca mắc COVID-19 ở nước này đã vượt ngưỡng 25.000 người.

Cụ thể trong 24 giờ qua, giới chức Pakistan đã thông báo về 1.764 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm virus lên 25.837, trong đó ghi nhận thêm 30 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 594 người. Số liệu này được công bố chỉ vài giờ trước khi Chính phủ Pakistan dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa do lo ngại nền kinh tế Pakistan rơi vào suy thoái.

Số ca tử vong ở châu Phi có thể lên tới 190.000 người

Tổ chức Y tế Thế giới ngày 7/5 cảnh báo số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 tại châu Phi trong năm đầu tiên của đại dịch có thể lên tới 190.000 người nếu các biện pháp ngăn chặn không có tác dụng. Cảnh báo này dựa trên cơ sở dữ liệu về 47 quốc gia châu Phi với tổng dân số khoảng 1 tỉ người. 

Báo cáo dẫn nghiên cứu của văn phòng khu vực của WHO tại Brazzaville (CH Congo) nhận định khoảng 83.000 đến 190.000 người có thể tử vong và khoảng 29 triệu đến 44 triệu người tại châu Phi nhiễm virus SARS-CoV-2 trong năm đầu bùng phát dịch.

Hơn 10.000 ca tử vong ở châu Á, châu Phi có thể tới 190.000 người chết ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trạm xét nghiệm lưu động ở Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù tốc độ lây lan dịch COVID-19 tại châu Phi chậm hơn so với châu Á hay châu Âu, song các chuyên gia của WHO đã liên tục cảnh báo rằng "lục địa Đen" rất dễ bị "tổn thương" nếu đại dịch COVID-19 bùng phát tại đây do châu lục này có hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, tỷ lệ nghèo đói cao, nhiều khu vực giao tranh và xung đột vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Theo Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti, mặc dù COVID-19 có thể sẽ không lan rộng theo cấp số nhân ở châu Phi như ở những nơi khác trên thế giới, nhưng có khả năng đang lan truyền âm ỉ ở các điểm nóng.

[Cập nhật thông tin mới nhất về dịch bệnh COVID-19 sáng 8/5]

Tốc độ lây lan chậm hơn cho thấy đợt bùng phát có thể kéo dài hơn, trong vài năm. Ngoài ra, ông nhấn mạnh người dân châu Phi có thể sẽ phải sống chung với đại dịch COVID-19 trong vài năm tới nếu chính phủ các nước ở châu lục này không chủ động ứng phó với đại dịch.

Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP, tính đến ngày 7/5, châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 53.334 ca nhiễm và 2.065 ca tử vong do COVID-19.

Một số quốc gia châu Phi đang áp đặt các biện pháp phòng tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, trong khi một số quốc gia khác đang xem xét nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt.

Đầu tuần này, Nigeria đã dỡ bỏ tình trạng phong tỏa ở thành phố Lagos đông dân nhất châu Phi. Nam Phi tuần trước cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp thắt chặt.

Trong khi đó, Nam Sudan ngày 7/5 thông báo nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội mà nước này đã áp dụng tử cuối tháng 3 để ngăn chặn dịch, mặc dù tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm mới.

Theo đó, các quán bar và nhà hàng sẽ được mở cửa trở lại, thời gian giới nghiêm từ 7 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau cũng sẽ được rút ngắn xuống từ 10 giờ tối tới 6 giờ sáng. Các hoạt động du lịch trong nước bằng đường hàng không, đường bộ và đường thủy cũng như các chuyến bay trong khu vực cũng được nối trở lại.

Tuy nhiên, trường học, nhà thờ và các câu lạc bộ đêm sẽ vẫn đóng cửa. Các hoạt động thể thao cũng như hoạt động tụ tập nơi công cộng khác cũng vẫn bị cấm.

Bên cạnh đó, tất cả các khách du lịch đến và rời khỏi quốc gia này sẽ phải xuất trình chứng nhận không nhiễm virus SARS-CoV-2. Tại các cuộc họp hay những nơi công cộng bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Cùng ngày, chính phủ Senegal cho biết đã cứu giúp hơn 2000 trẻ em lang thang, trong đó 205 trẻ đến từ các quốc gia láng giềng, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này.

Phát biểu trong một cuộc họp về chiến dịch "Không để trẻ em sống lang thang trên đường phố," Tổng Thư ký Bộ Phụ nữ, Gia đình và Giới của Senegal, Mame Gor Diouf cho biết số trẻ được cứu giúp trong độ tuổi từ 4 đến 17, trong đó khoảng 1.219 trẻ em đã được đưa trở về gia đình, chủ yếu ở 8 trong số 14 vùng trên cả nước.

Trong số hơn 2000 trẻ được cứu giúp có hơn 50 trẻ nhiễm virus SAR-CoV-2 và đã được sự chăm sóc y tế, trong đó một số đã được chữa khỏi.

Tính đến nay, Senegal đã ghi nhận 1.492 trường hợp nhiễm virus SARS-COV-2, trong đó có 13 trường hợp tử vong và 562 trường hợp đã bình phục.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục