IMF hỗ trợ G-20 thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu

Các nhà lãnh đạo G-20 đã nhất trí sẽ thay G-7  trở thành diễn đàn hàng đầu trong việc phối hợp các chính sách kinh tế, dựa vào IMF.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Pittsburgh (Mỹ) tuần trước, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước phát triển và đang nổi (G-20) đã nhất trí rằng G-20 sẽ thay G-7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển) trở thành diễn đàn hàng đầu trong việc phối hợp các chính sách kinh tế, dựa vào tiến trình phân tích mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
 
Các quan chức G-20 nhấn mạnh dưới "triều đại" mới, IMF sẽ phải thuyết phục tất cả các cường quốc thúc đẩy kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn cầu cân bằng hơn.
 
Theo kế hoạch, IMF sẽ dự báo tác động của các chính sách và báo cáo G-20 những gợi ý thay đổi. Tuy nhiên, các nước lớn không phải lúc nào cũng lắng nghe ý kiến của IMF.
 
Chẳng hạn, năm 2007, Washington đã phớt lờ những lời cảnh báo của IMF về thực trạng của khu vực nhà ở của Mỹ, ngay trước khi sụp đổ bất động sản dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu.
 
Các quan chức IMF hiểu rõ thách thức mới là cung cấp các phân tích đủ mạnh để thuyết phục các nước điều chỉnh chính sách, cho dù những thay đổi đó có bất lợi về chính trị.
 
Tại hội nghị Pittsburgh, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn đã thẳng thắn bác bỏ ý kiến cho rằng IMF không có khả năng thúc đẩy các mục tiêu tái cân bằng của G-20.
 
Ông nhắc lại IMF đã rất nhanh chóng kêu gọi các chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng tín dụng ngày càng lan rộng bằng những kế hoạch chi tiêu khổng lồ. Việc các chính phủ bơm gần 5.000 tỷ USD đã góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái biến thành thảm họa suy sụp toàn cầu.
 
Ông nói: "IMF không có quy chế hoặc công cụ pháp lý để buộc các nước thực hiện 'kích cầu', nhưng đây là một chính sách đúng để thực hiện, vì vậy đây là vai trò thực sự của IMF".
 
Nhiều quan chức IMF hy vọng lần này những lời khuyên của tổ chức này sẽ được đánh giá đúng mức không chỉ vì cuộc khủng hoảng không những cho thấy sự tác động lẫn nhau của các chính sách kinh tế quốc gia (vốn góp phần gây ra khủng hoảng) mà còn vì các nước đang phát triển sẽ có tiếng nói lớn hơn tại IMF.
 
Việc G-20 ủng hộ vấn đề thay đổi sức mạnh lá phiếu của các nền kinh tế mới nổi tại IMF là động thái đáng khích lệ. Dự kiến đầu năm 2011, tất cả 186 nước thành viên của IMF sẽ quyết định những thay đổi về sức mạnh lá phiếu tại tổ chức này nhằm cải thiện tính pháp lý của IMF.
 
Ông Raghuram Rajan, nhà kinh tế trưởng của IMF năm 2006 và hiện là giáo sư Khoa Kinh doanh thuộc Đại học Tổng hợp Chicago, cho rằng một mặt IMF phải được coi là một tổ chức công bằng, mặt khác cần thúc đẩy IMF hoạt động khả thi hơn và tiêu biểu hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục