Italy chế tạo cánh tay robot hoạt động giống xúc tu bạch tuộc

Với cánh tay điện tử siêu nhỏ được điều khiển từ xa nói trên chứa một ống silicon rỗng, các nhà khoa học Italy kỳ vọng trong tương lai thiết bị này sẽ được sử dụng trong các cuộc phẫu thuật y học phức tạp.

Theo nghiên cứu đăng tải ngày 13/5 trên Tạp chí khoa học Bioinspiration và Biomimetics (Anh), với việc chế tạo được cánh tay mẫu đầu tiên lấy ý tưởng từ các xúc tu bạch tuộc, các nhà khoa học Italy kỳ vọng trong tương lai thiết bị này sẽ được sử dụng trong các cuộc phẫu thuật y học phức tạp.

Giống như xúc tu của loài bạch tuộc, cánh tay điện tử siêu nhỏ được điều khiển từ xa nói trên chứa một ống silicon rỗng, hình trụ có kích thước 32mm và có thể thổi phồng.

Nó còn có thể giang rộng thêm tới 62% so với kích thước ban đầu, có thể uốn cong tới 255 độ, cũng như có thể thay đổi tính chất từ mềm thành cứng. Để biến đổi ống silicon này từ mềm sang cứng, các nhà khoa học đã đặt bên trong nó một lõi nhân nhựa chứa đầy các hạt siêu nhỏ và nhẹ. Khi lõi nhân này được tiếp xúc với không khí, nó sẽ trở nên cứng hơn và giúp ống đạt độ cứng tối thiểu gấp hai lần so với ban đầu.

Lý giải về sáng chế trên, nhà khoa học Tommaso Ranzani thuộc Viện nghiên cứu robot sinh học ở Pontedera, miền Trung Italy, cho biết cơ thể người là một “môi trường phi cấu trúc và rất khó khăn tiếp cận."

Chính vì vậy ông và các cộng sự cho rằng việc áp dụng tính năng của loài bạch tuộc tám xúc tu dài chuyển động linh hoạt, không mang cấu trúc cứng của hệ cơ xương, có khả năng biến đổi hình dáng cơ thể để thích nghi với môi trường sống, sẽ có thể phát huy tác dụng trong việc thực hiện các cuộc phẫu tốt hơn so với việc áp dụng các phương pháp phẫu thuật truyền thống cần nhiều thiết bị chuyên dụng đi kèm như hiện nay.

Các nhà khoa học tin tưởng rằng sáng chế này sẽ đánh dấu bước tiến đầu tiên trong việc tạo ra một thiết bị tích hợp mọi tính năng của các thiết bị y tế khác.

Đặc biệt, trong quá trình phẫu thuật, thiết bị này có thể len lỏi sâu vào ổ bụng, hoặc tới mọi vùng khó tiếp cận trên cơ thể người, nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn cho các bộ phận quanh vùng được phẫu thuật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục