Khắc phục nắng nóng, nông dân Hải Dương ra đồng từ 3-4 giờ sáng

Để khắc phục thời tiết nắng 38-39 độ C, nông dân ở Hải Dương ra đồng sản xuất từ 3-4 giờ sáng đến 7 giờ nghỉ; sau 4 giờ chiều mới ra đồng, cấy đến khoảng 19-20 giờ.
Khắc phục nắng nóng, nông dân Hải Dương ra đồng từ 3-4 giờ sáng ảnh 1(Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Những ngày qua, trời nắng gắt khiến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của nông dân ở tỉnh Hải Dương gặp khó khăn và để khắc phục điều này, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tiến độ sản xuất.

“Hai ngày nghe dự báo thời tiết nắng 38-39 độ C nên sau 4 giờ chiều tôi mới ra đồng, cấy đến khoảng 7-8 giờ tối, có hôm muộn hơn. Trời tối, tôi chuẩn bị sẵn đèn mỏ để soi. Sáng thì phải dậy từ 4 giờ, có nhà cấy từ 3 giờ sáng. Đến khoảng 7 giờ sáng, trời nắng chói chang là phải nghỉ rồi," chị Lương Thị Khen (xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cho biết.

Theo chị Nguyễn Thị Nhất (thôn Xạ Sơn, xã Quang Trung), trời nắng nóng khiến công cấy thuê tăng cao hơn so với ngày thường. Chị Nhất cho biết: “3 giờ sáng phải dậy đi cấy, khoảng 7 giờ nghỉ. Chiều khoảng 5 giờ tiếp tục ra đồng làm. Mỗi ngày tôi cấy được 1,5 sào. Nhà ít ruộng nên tự cấy, những nhà nhiều ruộng phải thuê người cấy. Tiền công hơn 300.000 đồng/sào mà còn khó tìm người."

Đi làm từ mờ sáng cũng là lựa chọn của nông dân nhiều xã ở huyện Kim Thành trong những ngày nắng gắt vừa qua. Chị Ngô Thị Thúy (đội 2, thôn Phù Tải 1, xã Kim Đính, huyện Kim Thành) cho biết, 3 giờ sáng, chị và nhiều người trong thôn đã ra đồng làm đất, lên luống trồng hoa, chăm sóc hoa.

Ở các xã chuyên trồng rau màu như Tam Kỳ, Đồng Gia, bà con nông dân cũng dậy từ 3-4 giờ sáng, đổi công, mượn người để làm đất, trồng rau và kịp xong trước 8 giờ sáng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, vụ mùa 2018, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 58.000 ha lúa, khung thời vụ từ 20/6 đến 20/7. Các địa phương đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Ngành nông nghiệp lưu ý bà con nông dân trong những ngày nắng nóng, cần tiến hành gieo cấy sáng sớm hoặc chiều mát.

[Hà Nội phòng chống nắng nóng đảm bảo sản xuất nông nghiệp]

Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương), lưu ý bà con nông dân đảm bảo tưới nước giữ ẩm cho diện tích mạ khay, mạ trên sân và với lúa sau khi cấy, đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho lúa bén rễ hồi xanh, tuyệt đối không để ruộng cạn nước, cây sẽ bị chết héo. Với các loại cây, rau đều, bà con cần chú ý tưới, giữ ẩm thường xuyên cho cây.

Ngành nông nghiệp các địa phương cũng chủ động hướng dẫn nhà nông triển khai phương án chống nóng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm và thủy sản.

Ông Nguyễn Đình Tính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tứ Kỳ, cho biết phòng đã sớm có văn bản gửi các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Với gia súc, gia cầm, ngành nông nghiệp lưu ý bà con nông dân nhập giống ở những cơ sở uy tín, vận chuyển con giống tuân thủ đúng quy trình, lưu ý che chắn làm mát cho gia súc, gia cầm khi vận chuyển; chủ động cải tạo, nâng cấp các hệ thống làm mát chuồng trại; đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt, cung cấp nước uống đủ và sạch, các nguyên tố vi lượng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; tiêm phòng vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát…

Đối với ao, hồ nhỏ nuôi tôm, cá, ông Tính cũng lưu ý các hộ dân thường xuyên kiểm tra hệ thống bờ ao, cống cấp thoát nước để chống rò nước trong ao, đảm bảo duy trì mực nước tối thiểu trên 1,2m. Với các ao nổi, chủ ao cần tiến hành đắp nâng bờ ruộng và đầm nén các nơi rò rỉ để giữ nước, tránh rò nước, có thể đào các mương sâu 0,5-0,7m xung quanh bờ ruộng làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nắng nóng.

Đặc biệt, giảm 30% lượng thức ăn cho cá so với ngày thường, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá; tránh lượng thức ăn dư thừa trong ao; có thể thả bèo tây trên mặt ao cho cá trú ẩn nắng nóng; tăng cường sục khí để cung cấp đủ oxy cho cá, tôm, làm mát nước trong ao. Với ao không đủ nước thì tiến hành thu hoạch cá nếu đủ kích cỡ thương phẩm, tiến hành thu hoạch sáng sớm hoặc chiều mát hoặc di chuyển cá về ao có mực nước sâu hơn hoặc liên kết các vùng nuôi xung quanh có nguồn nước đảm bảo để lưu giữ cá.

Tại xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ hiện có khoảng 30 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm và 82,5ha mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Vũ Minh Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Tố, đa phần các trang trại đều có hệ thống quạt gió để làm mát chuồng trại. Nắng nóng, các hộ phun nước làm mát mái chuồng trại. Các chủ ao cá tăng cường máy sục, máy bơm. Xã đang tập trung điều tiết nước để đảm bảo cho việc làm đất gieo cấy đúng thời vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục